Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Câu hỏi hóc búa nhất của Socrates: ‘Người rất sạch sẽ và người rất dơ dáy, ai sẽ tắm trước?’

Socrates, triết gia Hy Lạp, được mệnh danh là bậc thầy về lý luận, truy vấn. Ông có một phương pháp biện luận rất hay là đưa ra một loạt câu hỏi, từ đó rút ra chân lý. Những câu hỏi của Socrates thoạt nghe có vẻ rất đơn giản, ví dụ như: “Một người rất sạch sẽ, một người thì rất dơ dáy. Tôi mời hai người họ đi tắm, thử hỏi ai sẽ đi tắm trước?“. Ngụy biện là gì? Đang lúc lên lớp triết học, các học sinh thỉnh giáo nhà hiền triết Socrates: “Thưa thầy, thầy có thể lấy ví dụ thực tế để nói rõ một chút rốt cuộc cái gì gọi là ngụy biện được không ạ?”. Socrates suy nghĩ một lúc, sau đó nói: “Giả sử có hai người đến nhà thầy làm khách, một người rất sạch sẽ tươm tất, còn người kia thì rất bẩn thỉu xuề xòa. Thầy mời hai người này đi tắm, các em thử nghĩ xem, hai người họ ai sẽ đi tắm trước?”. “Điều này còn phải hỏi, tất nhiên là người bẩn thỉu kia rồi“. Một em học sinh lớn tiếng nói. “Sai rồi, là người sạch sẽ kia”. Socrate phản bác nói, “Bởi vì người sạch sẽ kia đã dưỡng thành thói quen thích tắm gội, còn người bẩn thỉu lại cho rằng không cần phải đi tắm gì cả. Hãy nghĩ thử đi, rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước đây?“. “Là người sạch sẽ kia“. Hai em học sinh nói tiếp. “Không đúng, là người bẩn thỉu. Bởi vì người bẩn thỉu càng cần phải tắm gội hơn người sạch sẽ kia“. Socrates lại phản bác nói. Sau đó, Socates lại hỏi thêm lần nữa: “Như vậy xem ra, trong hai người khách rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước đây?“. “Là người bẩn thỉu!“. Ba em học sinh lớn tiếng lặp lại câu trả lời lần thứ nhất. “Lại sai nữa rồi. Đương nhiên là cả hai người đều sẽ đi tắm“. Socrates nói, “Bởi người sạch sẽ có thói quen tắm gội, còn người bẩn thỉu kia thì cần phải đi tắm. Thế nào, rốt cuộc ai sẽ là người đi tắm trước đây?“. “Thế thì xem ra hai người đều sẽ đi tắm“. Bốn em học sinh lưỡng lự trả lời. “Không đúng, cả hai đều sẽ không tắm“. Socrates giải thích nói, “Bởi vì người bẩn thỉu không có thói quen tắm gội, còn người sạch sẽ kia thì vốn không cần phải tắm“. “Lời thầy nói đều có đạo lý cả, nhưng chúng em rốt cuộc nên phải hiểu thế nào đây?“. Các học sinh bất mãn nói, “Mỗi lần thầy nói đều không như nhau, nhưng lại đều luôn đúng cả!“. Socrates nói: “Chính là như vậy. Các em xem, ở bề ngoài, ở hình thức dường như là vận dụng thủ đoạn suy luận chính xác nhưng trên thực tế lại là trái với quy luật khách quan, đưa ra kết luận nghe thì thấy giống thật nhưng lại là sai, đấy chính là ngụy biện! Thủ đoạn ngụy biện thường thấy là có thay đổi luận đề, ngụy tạo căn cứ, luận chứng vòng vo, cưỡng từ đoạt lý, cắt câu lấy nghĩa…“. Sai lầm khách quan trong ngụy biện Tranh vẽ Socrates trước khi uống chén thuốc độc tự tử. Ảnh: arts.nccri.ie Các học sinh lại thỉnh giáo Socrates: “Thưa thầy, ngụy biện chính là cố ý làm luận chứng cho lý lẽ sai trái nào đó, sai lầm khách quan tinh vi trong đó thật không dễ phát hiện. Thầy có thể dùng ví dụ để làm rõ một chút làm sao mới có thể nhìn thấy được sai lầm khách quan trong ngụy biện đó đây?”. Socrates suy nghĩ một hồi, đưa ra một ví dụ kiểm tra trí khôn như sau: “Có hai người công nhân cùng nhau chui vào sửa chữa ống khói đã nhiều năm chưa từng lau chùi. Khi họ chui từ ống khói ra, một người thì rất sạch sẽ, còn người kia thì muội than nhem nhuốc khắp người. Thế thầy hỏi các em: ai sẽ đi tắm trước đây?“. Một em học sinh nói: “Đương nhiên là người công nhân bị lấm bẩn khắp người sẽ đi tắm trước“. Socrates nói: “Thật như vậy ư? Mong các em hãy chú ý, người công nhân sạch sẽ thấy người kia lấm bẩn khắp người hết cả, anh ta chắc chắn sẽ cho rằng từ trong ống khói chui ra thật sự rất là bẩn; còn người kia nhìn sang thì thấy đối phương rất sạch sẽ, lúc đó anh ta khẳng định sẽ không nghĩ như vậy nữa, mà cho rằng bản thân nhất định cũng rất sạch sẽ. Bây giờ thầy hỏi các em, ai sẽ là người đi tắm trước?“. Hai em học sinh rất phấn khích tranh nhau trả lời: “Ồ! Em biết rồi! Khi người công nhân sạch sẽ trông thấy người công nhân kia toàn thân nhem nhuốc lấm bẩn, tất nhiên sẽ cho rằng bản thân mình cũng bẩn y như vậy. Còn người công nhân nhem nhuốc bởi thấy đối phương sạch sẽ, nên sẽ tưởng rằng mình cũng sạch sẽ như vậy! Vậy nên nhất định là người công nhân sạch sẽ đó sẽ chạy đi tắm gội trước rồi“. Socrates nhìn nhìn những em học sinh khác, dường như tất cả họ đều đồng ý với câu trả lời này. Chỉ thấy Socrates chậm rãi nói: “Câu trả lời này cũng không đúng. Hai người cùng chui từ trong ống khói đó ra, làm sao có thể có chuyện người này thì sạch sẽ, còn người kia thì nhem nhuốc bẩn thỉu được? Đây chính gọi là trái với quy luật khách quan, cũng chính là sai lầm khách quan trong ngụy biện“. Các em học sinh lại thỉnh giáo Socrates: “Thưa thầy, vậy ta nên nhìn nhận tác dụng trong ngụy biện thế nào đây?“. Socrates trả lời: “Kẻ giỏi nói không bằng người biết phân tích lắng nghe. Ngụy biện nhìn ngoài thì hiệu nghiệm thật, nhưng không cao. Xảo trá chi bằng hãy sống chân thành, muôn nghìn diệu kế chẳng bằng sống đúng đạo làm người”.
 Theo moneyaaa.com
Thiện Sinh biên dịch

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

̣9 bài học cuộc đời

1. Bài học số 1
Bạn tôi ưng ý một chiếc máy tính, cần khoảng 30 triệu, thu nhập mỗi tháng của cậu ta chỉ có 7 triệu.
Vợ cậu ta nói với cậu ta rằng: “Anh điên rồi, anh mà mua thì chúng ta sẽ ly hôn”.
Cậu ta hỏi tôi phải làm sao. Tôi nói: “Cậu không xứng với chiếc máy tính kia, đến thứ mà mình thích cũng không có dũng khí đi giành lấy, thì sau này cậu định lăn lộn trong xã hội thế nào?”.
Cậu ta cắn răng mua chiếc máy tính kia. Để trả nợ, cậu ta bắt đầu tìm một số công việc làm thêm. Cuối cùng, cậu ta đã trả hết nợ trong vòng một tháng. Vợ cậu ta không vì sự điên cuồng của cậu ta mà bỏ cậu ta. Cô ta dẫn cậu ta vào một siêu thị xe, nói: “Ông xã, chúng ta mua trả góp chiếc xe BMW này nhé”. Ban đầu cậu ta giật nảy mình, tưởng vợ mình điên. Một năm sau, cậu ta đã trả được hết khoản tiền của chiếc xe đó.
Kết luận: Đến vật và người mà mình thích bạn cũng không có dũng khí giành lấy, vậy thì bạn đã được định trước là một kẻ thất bại.
2. Bài học số 2
Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước, bèn quyết tâm cứu nó. Ai ngờ vừa chạm vào nó, đã bị nó chích vào tay. Vị thiền sư không sợ hãi, lại một lần nữa ra tay, lần này ông lại bị chích. Người bên cạnh nói: “Nó lúc nào chẳng chích người, hà tất phải cứu nó?”. Vị thiền sư đáp: “Chích người là bản năng của con bọ cạp, còn lương thiện là bản năng của tôi, sao tôi có thể vì bản năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của tôi?”.
Kết luận: Lỗi sai của chúng ta nằm ở chỗ, bởi vì đám đông mà thay đổi bản thân.
3. Bài học số 3
Có người hỏi một người nông dân: “Có trồng lúa mạch không?”.
Người nông dân trả lời: “Không, tôi sợ trời sẽ không mưa”.
Người kia lại hỏi: “Vậy anh có trồng cây bông không?”.
Người nông dân trả lời: “Không, tôi sợ sâu sẽ ăn nó mất”.
Người kia lại hỏi: “Vậy anh trồng gì?”.
Người nông dân đáp: “Không trồng gì cả, tôi muốn an toàn”.
Kết luận: Một người không tình nguyện bỏ ra, không tình nguyện mạo hiểm, thì “không làm nên trò trống gì” đối với anh ta mà nói là chuyện quá hiển nhiên.
4. Bài học số 4
Ba người ra khỏi nhà, một người mang ô, một người mang gậy chống, một người đi tay không. Khi quay trở về, người cầm ô quần áo ướt sũng, người cầm gậy chống bị ngã, người thứ ba bình an vô sự. Thì ra, người có ô khi trời mưa đã bước đi mạnh bạo, cuối cùng bị ướt.
Khi đi chỗ đường trơn, người chống gậy cậy mình có gậy nên đi nhanh, kết quả chốc chốc lại bị ngã. Người đi tay không, khi trời đổ mưa, anh ta trú, khi thấy đường trơn trượt, anh ta đi cẩn thận, ngược lại lại bình yên vô sự.
Kết luận: Đôi khi, không phải là chúng ta thất bại vì khiếm khuyết của chúng ta, mà là thất bại vì ưu thế của chúng ta.
5. Bài học số 5
Một tiểu hòa thượng phụ trách quét dọn lá rơi trong chùa, mỗi ngày phải tốn rất thời gian mới quét xong. Có người nói với cậu rằng: “Trước khi quét dọn cậu hãy dùng sức rung cây cho lá rụng hết, sau đó hẵng quét, như vậy ngày mai sẽ không cần phải quét nữa”.
Tiểu hòa thượng cảm thấy có lý, vui vẻ làm theo, thế nhưng ngày hôm sau, lá vẫn rơi đầy sân chùa.
Kết luận: Bất luận hôm nay bạn có nỗ lực thế nào, thì ngày mai lá vẫn rơi. Dục tốc bất đạt, làm tốt chuyện của ngày hôm nay, chính là có trách nhiệm với cuộc đời của mình.
6. Bài học số 6
Một con quạ trong chuyến bay của mình đã gặp một con chim bồ câu đang trên đường về nhà. Con chim bồ câu hỏi: “Cậu muốn bay đi đâu thế?”.
Con quạ trả lời: “Thực ra tôi không muốn đi, nhưng mọi người đều chê tiếng kêu của tôi không hay, cho nên tôi muốn rời khỏi đây”.
Con chim bồ câu nói với con quạ: “Đừng phí công vô ích nữa! Nếu cậu không thay đổi giọng nói của mình, thì dù cậu có bay đến đâu đi chăng nữa cũng không được chào đón đâu”.
Kết luận: Nếu bạn hy vọng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, vậy hãy bắt đầu từ việc thay đổi bản thân mình.
7. Bài học số 7
Một nhà có ba người con trai, họ trưởng thành trong những trận cãi vã không ngừng của cha mẹ, mẹ của họ lúc nào cũng bị cha họ đánh đập thương tích đầy mình.
Người con cả nghĩ: Mẹ thật đáng thương! Sau này mình phải đối tốt với vợ mình hơn.
Người con thứ hai nghĩ: Kết hôn thật chẳng có nghĩa lý gì, sau này mình lớn lên chắc chắn sẽ không lấy vợ!
Người con thứ ba nghĩ: Thì ra, chồng có thể đánh đập vợ như vậy!
Kết luận: Cho dù môi trường sống giống nhau, nếu cách tư duy không giống nhau, sẽ kéo theo những cuộc đời không giống nhau.
8. Bài học số 8
Ở một thị trấn nhỏ, có một vị thương nhân đến mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Người thứ hai đến, mở một nhà hàng. Người thứ ba đến, mở một siêu thị. Thị trấn này chẳng mấy chốc đã trở nên sầm uất, phồn hoa.
Ở một thị trấn khác, một thương nhân mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Người thứ hai đến, mở trạm xăng dầu thứ hai. Người thứ ba đến, mở trạm xăng dầu thứ ba. Chuyện làm ăn không phát đạt như họ tưởng.
Kết luận: Cứ một mực đi theo con đường của người khác, tất sẽ thất bại.
9. Bài học số 9
Anh A đi xe đạp, hai chân gắng sức đạp, 1 tiếng đồng hồ chỉ có thể đi được quãng đường khoảng 10 km.
Anh A lái xe ô tô, một chân nhấn vào ga, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 100 km.
Anh A ngồi tàu cao tốc, nhắm mắt lại, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 300 km.
Anh A ngồi máy bay, ăn đồ ăn ngon, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 1000 km.
Kết luận: Cùng một người, cùng sự cố gắng, thế nhưng khác nhau ở bệ phóng, kết quả sẽ khác nhau.
Theo (Ohay TV)