Khoa
học đã chứng minh, nếu bạn đổ đầy bột bắp vào một hồ nước, bạn có thể
chạy trên bề mặt chất lỏng đó. Nhưng… đừng dừng lại, bởi bạn sẽ bị chìm
ngay. Điều bí ẩn ở đây là gì? Chính là “Oobleck” – hỗn hợp bột bắp và
nước.
Đi trên mặt nước với Oobleck!
Oobleck
là một hỗn hợp nước và bột bắp khuấy đều. Bình thường, Oobleck ở trạng
thái như thạch, nhưng khi chịu lực ép mạnh, hỗn hợp này sẽ quánh lại như
chất rắn. Tên gọi “Oobleck” ra đời từ tác phẩm “Bartholomew và Oobleck”
(1949) của Dr. Seuss, kể về một chất dính màu xanh lá có tính chất
tương tự.
Thử
dùng ngón tay ấn mạnh lên trên Oobleck, bề mặt tại đó sẽ rắn lại. Nhưng
từ từ nhúng cả bàn tay vào Oobleck, bàn tay sẽ lún xuống dễ dàng. Nếu
đột ngột rút tay ra khỏi Oobleck một lần nữa, nó lại hóa rắn và thậm chí
bạn có thể rút ra cả khối Oobleck lên cùng lúc. Có thể dùng tay để bốc
Oobleck lên, nhưng khi lỏng tay, nó sẽ tan chảy ngay.
Rắn
lại khi chịu lực tác động và hóa lỏng khi lực không còn, đó cách khiến
ta có thể chạy thật nhanh trên bề mặt Oobleck mà không bị chìm xuống.
Với hỗn hợp Oobleck, “đi trên mặt nước” không còn là chuyện thần kỳ.
Bí mật của Oobleck
Vậy,
điều gì khiến Oobleck có thể biến đổi từ rắn sang lỏng và ngược lại? Đó
là do sự tương tác giữa các hạt thành phần và kích thước hạt.
Sự
tương tác giữa các hạt: khi chịu tác động của lực, khoảng cách giữa các
hạt bột bắp trong hỗn hợp thay đổi. Tại vị trí chịu lực, các hạt chụm
lại, tạo thành cụm có hình dạng như tinh thể. Đây là nguyên nhân khiến
Oobleck rắn lại.
Tác
động một lực lên Oobleck, cũng tương tự như cách ta băng qua một đám
đông. Các hạt trong chất lỏng giống như người đi đường. Nếu cứ cắm cúi
đi thẳng một mạch, ta sẽ đâm sầm ngay vào ai đó và buộc phải dừng lại mà
không đi được xa. Nhưng nếu bước từ từ, sẽ dễ tìm ra cách để len lỏi
qua dòng người.
Kích
thước hạt: không phải loại hạt nào cũng tạo được Oobleck. Kích thước
hạt thích hợp để tạo hỗn hợp Oobleck từ 10-7 đến 10-4 cm.
Như vậy Oobleck là chất rắn? Hay chất lỏng?
Người
ta định nghĩa, chất lỏng là những chất chảy được và có hình dạng của
vật chứa nó. Còn chất rắn là chất có hình dạng xác định và có thể đàn
hồi.
Hãy
quan sát Oobleck: nếu bạn cuộn Oobleck trên tay, rõ ràng nó là một quả
bóng rắn, nhưng chỉ cần đặt lên mặt phẳng, ngay lập tức Oobleck tan lỏng
ra. Liệu có loại vật chất nào vừa rắn lại vừa lỏng?
Đáp án ở đây là hỗn hợp: bột bắp + nước = Oobleck.
Oobleck còn được biết chính là một “chất lỏng phi Newton”, nghĩa là chất lỏng có độ nhớt không tuân theo định luật Newton.
Chất lỏng phi Newton
Chất
lỏng phi Newton không phải vật chất gì xa lạ, trái lại, rất gần gũi với
chúng ta và dễ bắt gặp hàng ngày. Kem đánh răng, sơn, gel tạo kiểu tóc,
cao su, một số loại plastic dẻo, silicone… chính là những chất lỏng phi
Newton!
Hầu
hết chất lỏng mà ta biết là chất lỏng Newton (nước, rượu,...) vì tuân
theo định luật ma sát trong của Newton. Theo Newton, “độ nhớt” là thông
số đại diện cho ma sát trong của dòng chảy. Ví dụ: quan sát hiện tượng
gió thổi trên mặt nước. Gió tác động lên mặt nước một lực nhất định và
làm bề mặt nước chuyển động với vật tốc v. Dưới tác động của độ nhớt
(lực ma sát giữa các lớp của chất lỏng), lớp nước liền kề bên dưới sẽ bị
kéo theo chuyển động của lớp nước phía trên.
Có
nhiều loại chất lỏng phi Newton khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung
là hỗn hợp các hạt lơ lửng trong môi trường lỏng. Chất lỏng phi Newton
thường gặp ở dạng nhũ tương (hỗp hợp hai chất lỏng không hòa tan được
với nhau) như sốt mayonnaise là hỗn hợp trứng và dầu; hoặc dạng huyền
phù (các hạt rắn trong một chất lỏng) như Oobleck.
Có 2 nhóm chất lỏng phi Newton nổi bật:
Nhóm có độ nhớt tỷ lệ với cường độ áp lực
Một
số chất lỏng phi Newton khác như lòng trắng trứng thay đổi độ nhớt khi
thay đổi nhiệt độ (trở nên rắn hơn khi bị đun nóng). Cát lún (hỗn hợp
nước và cát) cũng là chất lỏng phi Newton, nên khi bị lún trong cát, nếu
bạn vùng vẫy (tạo áp lực) sẽ khiến cát rắn lại và khó thoát ra hơn,
cách tốt nhất là thư giãn, nằm ngang ra, trườn đi như một em bé. Và bạn
có biết, bên trong chúng ta có một chất lỏng phi Newton đang chạy khắp
cơ thể: đó là máu.
Trong số các chất lỏng phi Newton, Oobleck đặc biệt nhất vì có thể hóa rắn trong thời gian ngắn và khả năng chịu tải cao.
Oobleck có thể lỏng...hoặc rắn, cầm được trên tay
Công thức Oobleck
Muốn
trải nghiệm những tính năng đặc biệt của chất lỏng phi Newton? Hãy bắt
tay vào chế biến hỗn hợp Oobleck tại nhà, rất đơn giản, chỉ cần bột bắp
(hoặc bột năng) và nước.
Trộn
một phần nước với 1,5 - 2 phần bột bắp. Dùng muỗng khuấy (khoảng 10
phút) để đạt độ sánh mong muốn. Có thể gia giảm vài giọt màu thực phẩm
để Oobleck thêm sinh động. Mục tiêu là tạo ra một hỗn hợp có dạng lỏng
khi được khuấy từ từ, nhưng lại rắn khi bạn gõ lên nó bằng ngón tay hoặc
muỗng. Nếu Oobleck quá lỏng và không thể rắn lại, hãy thêm vào một chút
bột bắp nữa, ngược lại, thêm vào chút xíu nước.
Múc
một ít hỗn hợp Oobleck lên tay, ép và lăn nó lại thành hình quả bóng.
Nếu được lăn liên tục, áp lực từ tay bạn sẽ giữ cho quả bóng ở trạng
thái rắn. Nới lỏng tay và quả bóng Oobleck sẽ tan chảy thành hỗn hợp sền
sệt.
Hoặc
vào bếp thử trộn bột năng với nước để làm hạt lựu ăn với chè, quá trình
khuấy bột sẽ cho bạn cảm nhận đầy đủ trạng thái: lỏng - rắn hoặc
rắn-lỏng của Oobleck.
Đổ
đầy Oobleck vào thau nhựa lớn hoặc bồn tắm và bạn có thể thử cảm giác
“đi trên nước”. Nên nhớ, bước chân quá nhẹ nhàng không phải là cách để
đi trên “tấm thảm” Oobleck này! Bạn rất dễ bị chìm đấy.
Hoặc, thử cho hỗn hợp Oobleck vào một cái loa. Kết nối loa với nguồn âm thanh để xem Oobleck trở nên sống động như thế nào. Âm thanh tần số thấp sẽ làm hỗn hợp Oobleck lỏng và dễ chảy hơn so với âm thanh tần số cao.
Chất lỏng phi Newton và những ứng dụng thú vị
Đã
từ lâu, nghiên cứu chất lỏng phi Newton là lĩnh vực quan trọng của bộ
môn cơ lưu chất: nghiên cứu về sự chảy của vật chất, khảo sát dung dịch
khoan, nghiên cứu biển và môi trường biển... với nhiều ứng dụng kỹ thuật
hữu ích cho các ngành công nghiệp.
Mềm
mại và vững chắc, cương - nhu linh hoạt nên chất lỏng phi Newton được
xem là loại vật liệu “thông minh”, mới mẻ, có nhiều triển vọng ứng dụng
thực tiễn:
Lấp đầy các ổ gà trên đường. Đổ đầy Oobleck vào một túi chống thấm tốt, đặt vào vết nứt hoặc ổ gà trên đường là cách tuyệt vời để làm phẳng đường tạm thời. Cách lấp ổ gà này ít thấy tại Việt Nam, nhưng ở nước ngoài rất phổ biến. Oobleck là sản phẩm sinh học nên nếu rò rỉ hoàn toàn không độc hại.
Áo
giáp chống đạn lỏng. các nhà khoa học đã tạo ra áo giáp lỏng chống đạn
bằng hỗn hợp các hạt silica lơ lửng trong dung dịch polyethylene glycol.
Áo giáp chống đạn thông thường (cứng gấp 5 lần thép), tuy bảo vệ được
tính mạng người mặc, nhưng không ngăn được chấn thương do lực ép cực
mạnh của viên đạn gây ra. Áo giáp lỏng sử dụng chất lỏng phi Newton sẽ
phân tán lực va đập này. Đạn càng mạnh, áo càng rắn lại và không thể
xuyên thủng. Siêu nhẹ và siêu bền, các nhà nghiên cứu đang hướng đến sử
dụng vật liệu chế tạo áo giáp này cho cả trang phục hàng ngày.
Chế tạo vật liệu nhân tạo. Dung dịch tơ nhện là loại chất lỏng phi Newton đặc biệt có rất nhiều ứng dụng. Giáo sư McKinley thuộc khoa chế tạo cơ khí Viện Kỹ thuật Massachusets (Mỹ) – MIT với những nghiên cứu về “Động lực học các chất lỏng phi Newton” đã dùng tơ nhện Nephila clavipe để chế tạo vật liệu nhân tạo. Dung dịch protein tơ được phun ra bằng một cơ quan thon, nhọn, hình chữ S. Nhờ đó, các cấu trúc tinh thể vừa hình thành trong dung dịch bị xoắn lại thành chuỗi dài, thẳng hàng, trở nên bền chắc và không bị hóa lỏng trở lại.
Oobleck sẽ hiện diện trong đời sống trong một ngày không xa lắm.
Nguồn http://www.cesti.gov.vn/su-i-ngu-n-tri-th-c/ch-t-l-ng-hoa-r-n.html
|
Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013
Chất lỏng hóa rắn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét