Người kỹ sư, thương binh 60 tuổi đang ráo riết chuẩn bị các thủ tục để được cấp phép bay thử nghiệm chiếc trực thăng phiên bản 2014 vừa chế tạo. bài viết được đăng tải lại từ báo Xahoi.
Người thương binh 60 tuổi chết tạo trực thăng phiên bản mới
Chiều 24/9, ông Bùi Hiển – người đã đeo đuổi mơ ước chế tạo máy bay trực thăng suốt hơn 2 năm nay – tất bật mày mò với những động cơ chiếc trực thăng mới nhất của mình. “Sau lần ra mắt phiên bản trực thăng ‘Bùi Hiển I’ vào tháng 3/2012, tôi vẫn chưa hài lòng với nó nên đã cất trong phòng kính, xem như là bảo tàng về lịch sử quá trình chế tạo máy bay”, kỹ sư Hiển cười tươi, nói.
Người thương binh đam mê chế tạo máy bay trực thăng cho biết, so với phiên bản cũ, sải cánh được mở rộng từ 4,5 m lên 6,6 m; trọng lượng không tải từ 250 kg lên 340 kg. Tổng chiều dài phiên bản mới 7,4 m; độ cao 2,4 m cùng cánh quạt sau dài 1,1 m. Máy bay mới có tổng trọng tải khoảng nửa tấn. “Nó có khả năng hoạt động liên tục trong 2 giờ bay, có thể bay cự ly 400 km, tốc độ bay đến 200 km/h, trần bay tương đương các loại máy bay siêu nhẹ dưới độ cao 500 m”, ông Hiển nói.
Theo ông Bùi Hiển, máy bay mới có hệ thống lái cánh quạt sau hoạt động tức thời nên việc điều khiển sẽ dễ dàng hơn.
Ông cũng chia sẻ, quá trình thực hiện phiên bản trực thăng mới “Bùi Hiển II” gặp rất nhiều thuận lợi. Những nhược điểm của chiếc cũ hầu như đã được khắc phục ở chiếc mới này. Động cơ máy bay có thể tách chuyển động của máy ra khỏi rotor. Trong trường hợp có sự cố về động cơ, máy bay vẫn có thể đáp một cách an toàn.
“Khi động cơ trục trặc, gió sẽ tiếp tục tạo lực cho cánh quạt máy bay quay. Việc hạ âm góc cánh xuống thì độ gió sẽ duy trì cánh quạt tiếp tục quay, giống như ta cầm quạt chạy ngoài đường, cánh quạt sẽ quay theo gió. Khi gần tiếp đất thì kéo nâng góc lên thì quạt sẽ chậm dần và có thể đáp an toàn”, vị thương binh giải thích.
Cũng theo ông Hiển, ở phiên bản trước, thiết kế máy bay hai cánh đồng trục đơn giản, hệ thống lái bằng cánh bướm phải chờ thời gian mới có tác dụng. Nhưng ở chiếc trực thăng lần này hoàn toàn hoạt động bằng cơ khí, khi thao tác là có tác dụng ngay lập tức nên chế tạo phức tạp hơn nhiều.
Để cải tiến chiếc trực thăng trong mơ của mình, ông thương binh dùng động cơ chuyên lắp cho các loại xe đua, sử dụng xăng A92, mà bên Hungary nhập loại động cơ này để lắp cho máy bay siêu nhẹ. Theo tính toán của ông, một giờ bay, động cơ tiêu tốn khoảng 15 lít xăng. Ông Hiển tìm mua ngoài thị trường nhưng đây là loại động cơ cũ, nhập không chính ngạch, giá chỉ hơn 30 triệu đồng.
Cũng như những lần thử nghiệm phiên bản trước, điều băn khoăn nhất của ông chính là giấy phép được bay thử. Nhưng với lần chuẩn bị ra mắt phiên bản trực thăng thứ hai này, ông cho biết, mọi thủ tục pháp lý đang tiến tiển rất thuận lợi.
Vị thương binh 60 tuổi cho biết rất sẵn sàng cho chuyến bay thử cùng “đứa con” thứ hai của mình. Ảnh: Nguyệt Triều.
“Vừa qua một số vị có chức trách đã bày tỏ sự quan tâm đối với công trình nghiên cứu, có tính sáng tạo của tôi. Hội trưởng Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam (VCA) và Hội trưởng Hàng không – Vũ trụ Việt Nam (VASA) cũng đã hướng dẫn tôi về các quy trình, thủ tục để nộp hồ sơ xin phép bay thử nghiệm”, ông Hiển nói.
“Lần này máy bay của tôi cũng được đăng ký như một công trình khoa học. Sau khi đăng ký đề tài Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, nếu thuận lợi thì trong vòng một tháng nữa là có thể bay thử nghiệm phiên bản mới”, ông cho biết thêm.
Sau thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi trên Internet, hơn 2 năm trước, ông Bùi Hiển đã chế tạo chiếc máy bay đầu tiên. Nó có thể dễ dàng cất và hạ cánh, song khiếm khuyết ở hệ thống lái là điều ông trăn trở và quyết tâm khắc phục ở phiên bản thứ mới. “Hy vọng ước mơ bay của tôi sẽ sớm trở thành hiện thực trong một ngày gần đây”, ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét