Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Coi chừng bỏng vì miếng dán giữ nhiệt

Miếng dán giữ nhiệt có thể gây bỏng nếu sử dụng không đúng cách. 
Miếng dán giữ nhiệt được quảng cáo là giúp sưởi ấm cơ thể hàng chục giờ, an toàn với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em có làn da rất mỏng, nhạy cảm nên dễ bị bỏng. Ngay cả với người lớn nếu dán liên tục ở một vùng da cũng có thể gây bỏng.
Đa dạng miếng dán sưởi ấm
Khảo sát ngoài thị trường của PV Báo GĐ&XH, ngoài miếng dán giữ ấm do Việt Nam sản xuất còn có sản phẩm miếng dán giữ ấm của Nhật Bản như: Kairo, Nukurinko hay Okamoto. Các sản phẩm này được bán tại siêu thị và một số nhà thuốc với giá khoảng 23.000đ/ miếng. Hàng của Nhật Bản thường đắt hơn miếng dán sản xuất tại Việt Nam.
Trên các trang mạng, miếng dán sưởi ấm được quảng cáo nhan nhản về sự tiện lợi của chúng: Có công dụng sưởi ấm và giữ nhiệt cho cơ thể; giúp giảm đau ở những vùng cơ thể bị đau nhức do hoạt động thường ngày, chơi thể thao, hay đau do thay đổi thời tiết. Chị Minh Lý, chuyên kinh doanh trực tuyến các sản phẩm miếng dán sưởi ấm ở đường Trương Định (Hà Nội) cho biết, hàng của Việt Nam thường không nóng bằng hàng của Nhật Bản. Miếng dán có thể phát nhiệt từ 50 - 66 độ C, ổn định ở mức 53 độ C, thời gian giữ nhiệt tới 12 tiếng. Sản phẩm có hai loại: Loại dán được dùng để dán lên quần áo và tất chân, còn loại không dán được thì để trong túi áo, túi quần... Nếu chỗ dán đã đủ ấm, thấy nóng có thể bóc miếng dán ra chuyển sang dán ở vị trí khác. Ngoài ra, còn có miếng dán gan bàn chân sử dụng cho người hay bị lạnh chân.
Không dán trực tiếp vào da
Theo ông Nguyễn Dũng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách khoa Hà Nội), miếng dán sưởi ấm được sản xuất dựa trên nguyên lý phản ứng ôxy hóa kim loại từ đó sinh ra nhiệt làm ấm. Các chất chính có trong miếng dán là bột sắt, nước, clorua kali, than hoạt tính, muối…
Coi chừng bỏng vì miếng dán giữ nhiệt - 1
Không dán trực tiếp miếng giữ nhiệt lên da vì dễ gây bỏng da (Ảnh minh họa)
Bột sắt là kim loại dùng để tạo nên phản ứng ôxy hóa khi có nước và không khí. Phản ứng ôxy hóa bột sắt sẽ cho nhiệt độ nóng khác nhau tùy vào mức độ các chất trong đó. Có thể từ vài chục độ trở lên, thậm chí có thể gây cháy đồ dùng hoặc gây bỏng cho người sử dụng. Nhưng diện tích miếng dán nhỏ, ít nhiên liệu nên nhiệt độ chỉ khống chế ở mức độ đủ làm ấm cơ thể. Hơn nữa, nhà sản xuất có thể cho thêm các chất giảm mức độ cháy hoặc làm chậm quá trình ôxy hóa, khiến cho sản phẩm giữ được nhiệt độ ấm lên đến hơn 10 tiếng đồng hồ. Tuy vậy, khi sử dụng nếu sai cách rất dễ bị bỏng. Người dùng cần tránh sử dụng ở một vị trí trong một thời gian dài, luôn luôn chú ý quan sát tình trạng da, ngăn chặn nhiệt độ cục bộ quá cao gây ra bỏng ở nhiệt độ thấp.
BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn – Hà Nội) cũng cho biết, các mặt hàng sưởi ấm mùa đông có ưu điểm tiện dụng, khả năng làm ấm nhanh lại không khói nên được nhiều gia đình ưa dùng, đặc biệt khi sử dụng cho người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì không cẩn thận hay thiếu hiểu biết khi sử dụng đã khiến không ít người tiêu dùng phải lãnh hậu quả.
Khoa Bỏng đã từng gặp trường hợp sử dụng miếng sưởi ấm không đúng cách gây bỏng ở nhiệt độ thấp. Một số ca vô tình gây bỏng do rò chảy nước ở túi chườm nóng. Có trường hợp dùng miếng dán giữ nhiệt quá lâu ở gan bàn chân, khi lật ra xem thì vùng da ở chỗ đặt miếng dán bị bỏng.
BS Thống khuyến cáo, dù da tiếp xúc ở nhiệt độ dưới 44 độ C thì không bị tổn thương nhưng nếu tiếp xúc lâu cũng dễ bị bỏng. Da sẽ xuất hiện tấy đỏ, phồng rộp, tróc da hoặc nhợt nhạt. Bởi vậy, người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Với nhiệt độ cao này chỉ nên dùng cho người lớn khi nhiệt độ môi trường hạ thấp như đại hàn. Còn nếu người già và trẻ nhỏ dùng miếng dán có nhiệt độ cao có thể bị bỏng da do da mỏng và khó có thể phản ứng xử lý nhanh khi cảm thấy nóng quá. Tốt nhất là dùng ở khoảng 40 độ C.
Các chuyên gia khuyến cáo, với những người có độ cảm nhiệt nhạy bén thấp, người bị liệt, bị tiểu đường cẩn thận khi sử dụng. Bởi vì dây thần kinh đoạn cuối của họ kém nhạy nên không thích hợp dùng miếng dán giữ ấm. Khi sử dụng không được dán trực tiếp vào da, nên dán qua một lớp áo.
Theo Hà My (Gia đình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét