(Minh họa: Ngọc Diệp)
Nói
đến điện ảnh Việt Nam hiện nay, có lẽ không có ngôn từ nào để tả hết sự
thất vọng. Thất vọng không chỉ bởi sự yếu kém, nông cạn, hời hợt, chạy
theo thị hiếu tầm thường mà sự thất vọng càng lớn hơn, khi trong nền
kinh tế đất nước còn rất khó khăn, Nhà nước vẫn ưu ái dành cho điện ảnh
một khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính số tiền đầu tư làm phim phục vụ những nhiệm vụ chính trị đặc biệt, kỷ niệm những ngày lễ lớn đã
lên tới hàng trăm tỉ đồng. Tiếc thay, nhiều bộ phim trong số đó làm
xong chỉ có một việc là… cất vào kho. Chi thì nhiều mà hiệu quả lại
chẳng bao nhiêu.
Cách
đây ít lâu, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có bài viết trên Dân trí phân
tích rất sâu sắc về vấn đề này. Theo ông Minh, điện ảnh Việt Nam yếu kém
vì mấy nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, không
xác định đúng đối tượng đấu thầu. Thứ hai là do quản lý tài chính lỏng
lẻo, theo cơ chế xin – cho. Thứ ba, không tôn trong người nghệ sỹ. Thứ
tư, tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật sở hữu trí tuệ.
Hậu quả là nếu cứ để việc nhà nước đặt hàng làm phim như hiện nay thì có đổ thêm bao nhiêu tiền của cũng vô ích.
Thật
ra, vấn đề đạo diễn Đặng Nhật Minh nói không mới. Kể cả cách nói thẳng
băng như vậy thì trước ông cũng đã có không ít nghệ sĩ nói rồi. Tuy
nhiên gần đây, dư luận lại một lần nữa xôn xao bởi bộ phim Cát nóng của
Đạo diễn Lê Hoàng tại khai mạc LHP Hà Nội.
Xin
không bàn về những tranh cãi giữa nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và đạo
diễn Lê Hoàng mà ở đó, ông Nhân đã “tố” ông Lê Hoàng thay đổi kịch bản
đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt và Cục điện ảnh giải ngân 6
tỷ đồng để làm phim, nhưng đạo diễn Lê Hoàng đã "mượn" tên "Cát nóng" để
viết nên một kịch bản khác...
Chỉ
xin trích hai trong số nhiều ý kiến của các nghệ sĩ phát biểu về chất
lượng bộ phim. Đó là nhận xét của đạo diễn, NSND Đoàn Dũng: “Lối kể
chuyện của Cát nóng thiếu mạch lạc, đưa người xem vào mê hồn trận không
biết đâu mà lần. Có những chi tiết khiến người xem không hiểu câu
chuyện, chỉ lờ mờ đoán nội dung, còn có những chi tiết thì quá rườm rà
không cần thiết...”.
NSND
Thế Anh cho rằng: “Trong phim, có quá nhiều cảnh phản cảm, đặc biệt là
những cảnh máu me khi đầu bếp chế biến món dông, cảnh cô Tuyết cầm dao
chặt đầu con dông, cảnh dông bị nướng chín, phơi mình trên đĩa, cảnh
hàng trăm con dông bị cháy… Nếu mục đích của đạo diễn là dọa khán giả
thì xem ra những cảnh phản cảm trên đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó”.
Một số bài báo còn nói đây là bộ phim “làm mất thể diện quốc gia” trong LHP Hà Nội vừa qua.
Tuy
nhiên, nếu những nhận xét trên là đúng thì điều này cũng không có gì
đáng ngạc nhiên vì số phận nhiều bộ phim Nhà nước tài trợ xưa nay
thường… vẫn vậy!
Xin
được trở lại với những nguyên nhân mà đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nêu,
có lẽ còn có một nguyên nhân nữa. Đó là sự “cưng chiều” đối với loại
hình nghệ thuật này. Có thể nói, hiếm có ngành nghệ thuật nào nhận được
sự quan tâm của Nhà nước nhiều như điện ảnh mà con số hàng trăm tỉ đồng
đầu tư cho lĩnh vực này những năm qua là minh chứng. Tiếc thay, hiệu quả
mà nó mang lại thì thật là… thê thảm.
Có
lẽ đã đến lúc cần đặt lại vấn đề. Đó là phải chăng chính vì sự “ưu ái,
cưng chiều” đã làm “hư” nền điện ảnh Việt Nam? Phải chăng chính cái túi
tiền của Nhà nước (cũng chính là tiền đóng thuế của dân) là “bầu sữa”
khiến điện ảnh Việt Nam không thể trưởng thành?
Và
có phải là điều vô lý không khi biết bao trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn
đến trường trong thiếu đói. Rất nhiều người bệnh vẫn bị nhồi nhét trong
những khu bệnh viện chật chội và vẫn còn nhiều và rất nhiều những gia
đình ở mọi miền quê còn cơm không đủ no, áo không đủ ấm?
Phải
chăng đã đến lúc cần xem lại những khoản tiền khổng lồ bỏ ra để rồi chỉ
nhận được những bộ phim “xếp kho” cùng với những cô gái chân dài, chân
ngắn, hở ngực, khoe lưng làm “mất thể diện quốc gia” như trong LHP Hà
Nội vừa qua?
http://dantri.com.vn/blog/nen-dien-anh-ho-nguc-khoe-lung-679842.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét