Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

"Nước uống tinh khiết" đóng bình: Siêu bẩn, siêu lợi nhuận

Nắm bắt nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình của người dân ngày càng cao, đồng thời vì khoản siêu lợi nhuận của mặt hàng này mang lại, không ít các cơ sở sản xuất đã bất chấp quy định của ngành y tế để sản xuất, tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ.
Tù mù chất lượng
Có mặt tại cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết Bono; Aqua (nằm trên đường Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) chúng tôi không khỏi choáng bởi cảnh chế biến, đóng nước tinh khiết ở đây. Điểm đầu tiên đập vào mắt đó là những chiếc bình đã qua sử dụng được vứt bừa bãi ngay cửa ra vào, bên cạnh là dòng nước thải lênh láng hoà quện với đất bẩn. Toàn bộ máy móc thiết bị để sản xuất ra loại nước uống tinh khiết cho người tiêu dùng đều được đặt trong căn nhà tăm tối, ẩm thấp với khoảng diện tích hơn 15m2.
"Nước uống tinh khiết" đóng bình: Siêu bẩn, siêu lợi nhuận  - Ảnh 1
Bình nước đã qua sử dụng vứt bừa bãi.
Theo chủ cơ sở sản xuất thì, sản phẩm bán cho các đại lý có giá 15.000đ/bình loại bình 19,8lít, sau khi cộng các chi phí, đại lý có thể bán từ 20.000 - 30.000 đồng/bình tùy thuộc từng địa bàn. Đồng thời khẳng định, chất lượng nước ở đây được đảm bảo tuyệt đối vì cơ sở sử dụng nguồn nước máy đạt chất lượng của thành phố yêu cầu. Nguồn nước sau khi được lắng đọng, tích trữ tại bể ngầm sẽ được dẫn qua các đường ống nhỏ tới bình inox, sau đó được vận hành qua từng giai đoạn lắng lọc trước khi được đóng vào bình. Thế nhưng, qua quan sát chúng tôi thì những chiếc bình đã qua sử dụng vẫn được người lao động với đôi tay trần, súc rửa qua loa rồi đem châm nước đóng bình, điều đó liệu có đảm bảo về mặt chất lượng?!.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đã đóng giả là những người muốn làm đại lý bán nước đóng bình. Tại cơ sở sản xuất nước uống đóng bình trên phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng rơi vào cảnh tương tự. Toàn bộ mặt sân cũng như sàn nhà, nước thải lênh láng, một dòng nước vàng đen từ từ chạy ra mặt cống cạnh ngõ đang bốc mùi. Nguy hại hơn, mặc dù môi trường ẩm ướt, hôi hám như vậy nhưng hàng chục chiếc bình vẫn được người sản xuất vô tư bật sẵn nắp chờ châm nước vào bình. Bên cạnh đó là các vỏ bình đã qua sử dụng được thu hồi về vứt chồng chất trong chậu nước đã đổi màu chờ người lau chùi. Đặc biệt, trong số 2 lao động đang làm việc tại đây không người nào sử dụng các dụng cụ nhằm bảo đảm vệ sinh như găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ…
"Nước uống tinh khiết" đóng bình: Siêu bẩn, siêu lợi nhuận  - Ảnh 2
Vỏ bình được vứt ngổn ngang, súc rửa qua loa sau đó được đóng nước mang đi tiêu thụ.
Theo lời chủ cơ sở sản xuất, ngoài nguồn nước máy cơ sở còn trang bị thêm hệ thống nước giếng khoan để sản xuất nước đóng bình ra vào dịp hè thường không có hàng để bán. Ngoài những khách hàng là người dân quanh khu vực, cơ sở còn cung cấp cho các cơ quan, trường học, các cơ sở ăn uống trên địa bàn với khối lượng lớn. Tiếp tục chứng kiến cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn xã Trung Văn (huyện Từ Liêm,Hà Nội) chúng tôi hoảng sợ khi nghĩ tới chẳng may mình uống phải loại nước này.
Mặc dù không gian sản xuất nước uống của cơ sở có phần rộng hơn các cơ sở khác nhưng “độ bẩn” thì chẳng nơi nào sánh nổi. Trước cửa ra vào là dòng nước thải đen kịt đang chảy lênh láng, kế đó không xa đó là rác thải, phân gia súc, gia cầm vương vãi nhưng những công nhân ở đây vẫn vô tư đi lại, ra vào khu vực sang chiết, châm nước vào bình. Sau đó họ đóng nắp, dán nhãn và cho người vận chuyển ra thị trường tiêu thụ.
"Nước uống tinh khiết" đóng bình: Siêu bẩn, siêu lợi nhuận  - Ảnh 3
Nước tinh khiết không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ
Chẳng riêng gì một vài cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết kể trên, qua tìm hiểu một số khu vực như: Triều Khúc, Tam Hiệp (huyện Thanh Trì), khu vực trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Khương Trung, Khương Đình (quận Thanh Xuân, HN)…  Hầu hết những người tham gia sản xuất đều không tuân thủ những yêu cầu vệ sinh mà ngành y tế quy định. Trả lời câu hỏi về sự chênh lệch giá cả giữa các cơ sở sản xuất, hầu hết các chủ cơ sở cho biết: “Chất lượng nước phụ thuộc vào nguồn nước, quá trình sản xuất và đầu tư công nghệ. Điều quan trọng là các đại lý phải biết thổi sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng?!
Sức khỏe người tiêu dùng bị xâm hại?!
Sự phát triển nở rộ của thị trường nước uống tinh khiết thể hiện rất rõ nhu cầu của người dân về sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh một số cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai, đóng bình có uy tín hiện vẫn có không ít các cơ sở sản xuất nước uống vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định của ngành y tế, cố tình lừa gạt người dân. Đó là chưa kể tới các cơ sở chui mà dây chuyền sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước vẫn trà trộn vào thị trường bằng nhiều cách gây thiệt hại đối với người tiêu dùng.
"Nước uống tinh khiết" đóng bình: Siêu bẩn, siêu lợi nhuận  - Ảnh 4
Đoàn kiểm tra lập biên bản xử lý cơ sở sản xuất nước vi phạm các quy định của ngành y tế
Anh Vũ Anh Thắng, giám đốc một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Hiện nay có không ít trường hợp lựa chọn kiểu làm ăn chộp giật để lừa dối, xâm hại tới lợi ích người tiêu dùng. Họ chỉ cần đào giếng khoan, đầu tư hệ thống xử lý nước thô sơ với chi phí thấp, sau đó để lắng đọng rồi bơm chiết vào bình đem bán ra thị trường. Thậm chí, có trường hợp còn tiết kiệm bằng cách mua vỏ bình về rồi đóng trực tiếp bằng nguồn nước máy sinh hoạt mà các công ty nước cung cấp đến nhà dân, sau đó đem bán ra ngoài thị trường nhằm kiếm tiền chênh lệch nhưng vẫn không bị phát hiện, xử lý”.
Đề cập tới vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra sở Y tế Hà Nội thừa nhận, nước uống tinh khiết hiện đang là mặt hàng rất khó quản lý, vì đây là mặt hàng đem lại lợi nhận rất cao cho nên cơ sở sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 300 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình các loại. Nhưng chỉ có một số ít công ty lớn là có sự đầu tư thỏa đáng nên chất lượng tương đối đạt tiêu chuẩn, còn lại đa phần là những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ với các trang thiết bị còn mang tính thủ công, nhà xưởng chật chội, chưa có sự phân khu riêng biệt (giữa khu xử lý bình và khu chiết rót.
Trên thực tế, có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì đạt tiêu chuẩn nhưng khi kiểm tra thực tế, thường xuyên lại không đạt. Do đó, người tiêu dùng khi lựa chọn bất kỳ một loại sản phẩm nào, nên tìm đến những cơ sở sản xuất có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng nhằm đảm bảo về mặt chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân.
Quỳnh Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét