Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Giải mã hội chứng cuồng thần tượng ở tuổi teen


Một ông bố Trung Quốc giết con gái 13 tuổi vì nó mê nhóm nhạc Hàn Quốc tới bỏ học, nhiều teen Việt cũng cuồng Kpop tới mức hôn ghế thần tượng... Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là vấn đề xã hội và có phần lỗi lớn của gia đình.


Không ít phụ huynh giật mình lo lắng trước bi kịch của gia đình cha giết con chỉ vì trẻ cuồng thần tượng. Cô bé 13 tuổi ở Trung Quốc mê nhóm EXO của Hàn Quốc đến bỏ bê học hành, không màng ăn ngủ. Trong một lần cãi vã, nghe con nói: "Bố mẹ không tốt bằng thần tượng", người bố đã bị kích động đến giết chết con gái.

Tình trạng teen say mê thần tượng dẫn tới có những hành động thái quá, lố bịch cũng không lạ ở Việt Nam. Gần đây nhất, nói về vụ máy bay MH370 mất tích, một fan Kpop bình luận: "Chỉ có mỗi cái máy bay rơi thôi mà cũng làm rần rần, chừng nào máy bay của SNSD (tên một ban nhạc Hàn Quốc) đi tui mới quan tâm lo lắng".

Đầu năm ngoái, một số cư dân cũng chia sẻ ảnh chụp Facebook một nữ sinh chửi cha mẹ mình thậm tệ vì đã xé ảnh nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc của cô. Cô bé có những từ ngữ bậy bạ và hỗn xược như “Ông bà là cái *** gì mà bắt tôi học hả, ông bà chỉ sinh ra tôi thôi chứ chẳng có công lao gì cả, còn xé ảnh T-ara (nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc) nữa. Biết bức ảnh đó quý giá như thế nào không mà xé hả".

Đầu năm 2012, cộng đồng sốc khi một nhóm bạn trẻ quỳ xuống và hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt - Vũng Tàu, thì hiện tượng cuồng thần tượng hiện nay khá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam, có nguyên do từ cả hai phía: Trẻ và bố mẹ. Thường tình trạng này hay xuất hiện ở những trẻ thiếu tự tin, dễ bị cuốn hút bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài, cũng như người thiếu tự chủ thì dễ tin quảng cáo. Tuy nhiên, phụ huynh mới là yếu tố chính khiến con trở nên mê muội thần tượng. Bố mẹ quá nuông chiều nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu, quan tâm đến con, đồng thời không đủ làm thần tượng của con, không khiến con cảm thấy tin tưởng và có thể chia sẻ.

Trong khi đó, các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh thường được đánh bóng hình ảnh, xuất hiện với vẻ đẹp hào nhoáng, cuốn hút... khiến trẻ yêu thích, rồi say mê. Khi đó, nếu bị người lớn chê trách, phê phán, trẻ cảm tính, chưa điều khiển được cảm xúc, dễ có những câu nói, hành động chống đối... Và nếu bố mẹ không biết cách ứng xử, thì khoảng cách giữa họ với con cái sẽ ngày càng xa hơn.

"Điều đáng buồn là thường chỉ khi con say mê thần tượng quá mức, tới mức lơ là học hành, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống... thì phụ huynh mới nhận ra và hốt hoảng, nhờ can thiệp. Trong khi đó, việc phòng vệ để các em khỏi rơi vào tình huống này mới là quan trọng nhất", nhà tâm lý chia sẻ.

Một trường hợp ông Khanh tư vấn gần đây là điển hình cho điều này. "Trước mặt người tư vấn, cô con gái mắng mẹ sa sả. Bà mẹ ca thán 'nó chẳng coi tôi ra gì, chỉ sợ ba nó tí ti", nhà tâm lý kể lại. Đó là một nữ sinh 14 tuổi, ngoại hình không được xinh xắn nên rất tự ti. Bố mẹ em bận kiếm tiền, không có mấy thời gian cho con và bù đắp bằng cách thường xuyên cho con tiền, con thích gì mua cho nấy.

Cô bé rất yêu thích một nhóm nhạc toàn các chàng đẹp trai xứ Hàn Quốc, dành hết tiền mua đĩa, tranh ảnh... của nhóm này bày trong phòng. Có thời gian là em lên mạng, vào điện thoại nghe nhạc của thần tượng, không màng học hành. Năm ngoái, khi nhóm nhạc tới Việt Nam, cô con gái nằng nặc đòi bố mẹ phải đưa tới sân bay đón thần tượng, mặc dù nhà cách đó mấy trăm km. Thấy con nhịn ăn, giận dỗi, bố mẹ cũng chiều, thuê lái xe đưa con đi.

Sau lần ấy, cô bé còn đòi bố mẹ cho tiền sắm một dàn âm thanh về nhà, tự thu đĩa gửi đi tham dự một cuộc thi âm nhạc, nhưng bị loại ngay từ đầu. Cô gái từ đó suy sụp, suốt ngày nằm trong phòng nghe nhạc thần tượng, không đi học, không gặp ai. Tới lúc này gia đình mới đưa đến gặp chuyên gia tư vấn.

Ông Lê Khanh cho biết, việc trẻ cuồng một thần tượng nào đó là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Trẻ từ thích rồi tới quan tâm, sưu tầm mọi thứ liên quan tới thần tượng, và cứ thế ham mê dần. Vì vậy, bố mẹ có thể nhận ra và xử lý sớm.

"Thực tế, mỗi ngày, mỗi tuần 1-2 tiếng với nhà tâm lý khó có thể gỡ rối vấn đề. Quan trọng là bố mẹ có nhận thức được vấn đề và thay đổi bản thân, kiên nhẫn cùng con vượt qua khó khăn. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, một số trường hợp cuồng thần tượng tới mức khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, tâm thần", nhà tâm lý cho biết.

Trong những cách phòng bệnh, quan trọng nhất là bố mẹ phải sống làm sao để con cái nể phục, thương yêu, tôn trọng, và tốt nhất là trở thành thần tượng của con, nếu không, ít nhất cũng là người để trẻ tin tưởng, có thể mở lòng chia sẻ mọi thứ về cuộc sống của mình. Như vậy, phụ huynh mới hiểu con, biết con suy nghĩ gì và tìm cách ngăn chặn ngay những hiện tượng tiêu cực từ đầu.

Thứ hai, cần cho trẻ có nhiều hoạt động để luôn có được sự cân bằng trong cuộc sống. Thực tế, nhiều trẻ hiện nay chỉ biết học, không biết việc gì khác, không được trang bị những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, thiếu sự tự tin về bản thân, không xây dựng được hình ảnh của chính mình, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hấp dẫn bên ngoài, từ đó không biết phân biệt chọn lựa thần tượng cho chính mình.

Khi con đã có các biểu hiện cuồng thần tượng, bố mẹ cố gắng đừng phê phán, trách mắng, trở thành kẻ thù của trẻ. Hãy làm bạn với con, về phe của con, cùng trò chuyện, hỏi con về thần tượng của chúng, đồng thời đưa ra thêm một số "ngôi sao", nhóm nhạc khác để cùng trẻ có cơ hội so sánh, bàn luận. Điều này làm phân tán sự tập trung của trẻ vào một đối tượng nhất định, và cho trẻ thấy những mặt khác của thần tượng. Bên cạnh đó, hãy mở rộng thêm những niềm vui, sở thích của con, đánh lạc hướng để trẻ không chỉ dành hết thời gian xoay quanh thần tượng. Cho trẻ tiếp cận với những người thành công về nhân cách, học tập, bản lĩnh... chứ không phải chỉ hào nhoáng bề ngoài.

"Trẻ tuổi teen ghét nhất là bị coi thường. Vì thế những lời phê phán của bố mẹ thường không mang lại tác dụng tích cực mà chỉ khiến trẻ tôn thương và càng cố gắng muốn chống đối", nhà tâm lý phân tích.

Trong một buổi tọa đàm với sinh viên ĐH FPT với chủ đề "Lệch lạc thần tượng - nhìn thẳng nói thật", tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Kim Quý cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến nhiều teen cuồng thần tượng tới mức "bệnh" là các em chưa tìm đúng con đường đi cho mình, cộng với sự tác động từ môi trường sống và giáo dục gia đình.

"Chẳng hạn, ở nông thôn, các em phải giúp đỡ gia đình nên ít có thời gian, điều kiện để nảy sinh hiện tượng lệch lạc thần tượng. Còn ở thành phố, các em có điều kiện, được giao lưu với văn hóa bên ngoài nhiều hơn, có cơ hội tìm hiểu, theo đuổi đam mê thần tượng. Hơn nữa, các bậc phụ huynh ở thành phố có tâm lý chiều chuộng con hơn, có điều kiện kinh tế hơn", nhà tâm lý phân tích.

Hơn nữa, theo bà Quý, hiện nay, sức ép học tập từ phía gia đình, nhà trường lên học sinh rất lớn. Nhiều em thấy học là vì cha mẹ ép chứ không phải cho chính mình nên không hứng thú. Trong khi đó, thế giới giải trí lại có nhiều hấp dẫn, trẻ mong muốn được như thần tượng, theo đuổi sở thích cá nhân, thoải mái vui chơi, ăn mặc đẹp... Ngoài xã hội lại ít có những hình tượng mẫu mực trong các lĩnh vực để giới trẻ ngưỡng mộ, trong khi nhiều phương tiện truyền thông tập trung tung hô những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nên càng khiến giới trẻ bị lệch lạc. Ở gia đình, người lớn chưa thật sự có ý thức xây dựng hình tượng của mình trong mắt con cái, khiến trẻ không phục.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ Trương Thị Khánh Hà, chủ nhiệm khoa tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi trẻ cuồng thần tượng nào đó đến mức không coi trọng bất thứ gì khác thì chứng tỏ bố mẹ, nhà trường, xã hội... đã không mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống của trẻ. Thường khi đó trẻ đã trải qua một giai đoạn dài không nhận được những thứ mình thực sự cần, là tình thương yêu, sự thấu hiểu, tin cậy.

"Trẻ em, nhất là ở tuổi teen, luôn phải hứng thú với thứ gì đó mạnh mẽ khi không tìm được những điều trong cuộc sống của mình như gia đình, trường học, bạn bè, các em có thể phải bám vào cái gì đó khác, như một thần tượng hào nhoáng, game...", bà Hà chia sẻ.

Theo bà, muốn tránh con rơi vào tình trạng cuồng thần tượng tới mức coi thường tất cả giá trị khác, cần phải bắt đầu phòng bệnh từ tuổi thơ, chứ không phải đợi tới lúc con bắt đầu có các biểu hiện khác thường. Đó là luôn gần gũi con, dành thời gian cho con, tìm hiểu thông tin, thu nhận kiến thức để hiểu tâm lý của con từng lứa tuổi và ứng xử, giáo dục phù hợp.

Theo Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét