Tờ Mirror của Anh ngày 18.3 dẫn lời một cựu chuyên gia an ninh
hàng không Mỹ cho rằng, phi hành đoàn trên chuyến bay mất tích MH370 đã
anh dũng hy sinh trong khi cố gắng cứu máy bay khỏi hỏa hoạn.
Ông Billie Vincent – cựu Giám đốc an ninh Cục Hàng không Liên bang Mỹ vào những năm 1980 – cũng bác bỏ giả thuyết về một cuộc tấn công khủng bố hoặc phi công tự sát. Thay vào đó, ông tin rằng các phi công đã vật lộn để cứu máy bay khi khống chế một ngọn lửa trong khoang hành lý.
Ông Vincent – một nhân chứng chuyên môn trong phiên tòa xử vụ đánh bom Lockerbie – nói: “Dữ liệu đến nay cho thấy, nhiều khả năng vấn đề nằm ở chỗ các vật liệu nguy hiểm. Kịch bản có thể đã xảy ra là các chất độc trong khoang hành lý bị phát tán, do không đóng gói cẩn thận hoặc vận chuyển lậu”.
Chuyên gia này cho rằng, một ngọn lửa bùng phát trong khoang hành lý và dần dần phá hủy các hệ thống liên lạc của máy bay. Khói độc cũng nhanh chóng tràn vào khoang hành khách và buồng lái.
Ông Vincent suy đoán, một trong số phi công cố đeo mặt nạ dưỡng khí và đưa máy bay trở lại Kuala Lumpur. Về việc máy bay nhanh chóng hạ độ cao, ông Vincent cho rằng, đơn giản là do phi hành đoàn không thể nhìn thấy cho đến khi họ duy trì được độ cao ổn định ở mức 23.000 feet.
“Sau đó, máy bay bay tiếp cho đến khi hết nhiên liệu và rơi, nhiều khả năng nhất là rơi xuống biển, bởi vệ tinh không phát hiện được bất kỳ tín hiệu nào trên đất liền”.
Ông Vincent – người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán sau vụ cướp máy bay Mỹ trong những năm 1980 – khẳng định, không nhiều khả năng máy bay bị phá hoại.
“Không có dấu hiệu cho thấy một trong số phi công có liên quan hình sự đến việc máy bay mất tích. Malaysia Airlines cũng không đưa ra bất kỳ dữ liệu nào cho thấy sự bất thường trong việc kiểm tra an ninh hành khách đi trên chuyến bay. Vấn đề hành khách dùng hộ chiếu giả cũng đã được xác minh là không liên quan đến khủng bố, mà họ chỉ có kế hoạch tị nạn bất hợp pháp ở một nước khác, có thể là Đức. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy có thông tin nào về khoang chứa hàng hóa. Hàng hóa nguy hiểm có thể được vận chuyển hợp pháp trên một chiếc máy bay chở khách. Tuy nhiên, số lượng và các loại chất độc hại như vậy phải được kiểm soát chặt chẽ” – ông Vincent cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét