Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Giả bại liệt bán vé số, xin tiền


Một số thanh niên đã giả dạng bại liệt lê lết trên các tuyến đường ở TP HCM để bán vé số, xin tiền khiến nhiều người sa bẫy vì lòng hảo tâm


Thời gian gần đây, trên xa lộ Hà Nội (quận 2, TP HCM) xuất hiện 2 thanh niên tên Tường và Tân (khoảng 20-21 tuổi) lê lết bán vé số, xin tiền ở đoạn vừa qua cầu Rạch Chiếc và khu vực Thảo Điền. Sau nhiều ngày theo dõi, phóng viên Báo Người Lao Động đã vạch trần bộ mặt thật của các thanh niên này.
Các đối tượng giả bại liệt bán vé số và xin tiền trên Xa lộ Hà Nội (quận 2, TP HCM).
Các đối tượng giả bại liệt bán vé số và xin tiền trên Xa lộ Hà Nội (quận 2, TP HCM).
Ngày lê lết; tối uống cà phê, tán gẫu
Phụ giúp cho 2 thanh niên là một cô gái thường gọi tên Chồm (khoảng 18 tuổi). Khoảng 12 giờ ngày 11-6, Chồm chạy xe máy chở Tường và Tân tới các địa điểm trên để hành nghề.
Màn kịch của Tường và Tân rất giống nhau. Cả hai luôn khoác trên mình chiếc áo dài tay, mặc một chiếc quần dài để che đôi chân lành lặn. Dưới khuỷu tay và một bên chân tiếp xúc với mặt đường đều có vài tấm che. Khi “diễn”, bộ mặt 2 thanh niên này luôn nhăn nhó, rướn thân bò trên mặt đường, còn chiếc túi đựng vé số và tiền lẻ thì đeo ở cổ.
Đến khoảng 16 giờ 30 phút, sau khi bán hết vé, Tường và Tân lết vào vệ đường, lấy điện thoại ra gọi Chồm tới chở về. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chở Tường về thì anh ta từ chối với lý do đã có “mối” xe ôm quen.
Giả bại liệt bán vé số, xin tiền
Tường lê lết trên xa lộ Hà Nội (quận 2, TP HCM) và trở thành thanh niên lành lặn khi về “tổng hành dinh”
Tường lê lết trên xa lộ Hà Nội (quận 2, TP HCM) và trở thành thanh niên lành lặn khi về “tổng hành dinh”
Ngày 22-6, chúng tôi quan sát Tường suốt nhiều giờ liền. Cả buổi, người thanh niên này chỉ lết khoảng 100 m rồi nằm hẳn một chỗ. Cho dù có vẻ đã mệt mỏi nhưng Tường không hề nhúc nhích, khi nào kiệt sức thì lăn ra lề đường nằm nghỉ. Đến khoảng 17 giờ 30 phút thì Chồm đến đón. Lần này, Tường không cần cô gái bế mà tự vịn tay vào yên xe rồi nhảy phóc lên, sau đó cả hai chạy tới đón Tân ở khúc đường phía trên.
Vừa về đến “tổng hành dinh” là một căn nhà trên đường Phan Văn Khỏe, phường 5, quận 6, Tường và Tân nhảy xuống xe thật nhanh nhẹn, không hề có dấu hiệu bị tàn tật. Sau đó, 2 đối tượng này giở trong túi xách ra một xấp tiền, đếm xong thì đi tắm. Ít phút sau, trong chiếc quần màu vàng, lưng trần, Tường xuống bếp lấy cơm ăn; còn Tân mệt đi nghỉ sớm. Sau khi ăn cơm xong, Tường ra trước cổng nhà uống cà phê, tán gẫu với mọi người.
Khoảng 18 giờ 30 phút, Chồm tiếp tục chở 2 thanh niên khác tên Toàn và Lâm tới các con đường ở quận Gò Vấp để hành nghề, khoảng 23 giờ thì trở về. “Mấy thanh niên này có tàn tật gì đâu, họ chỉ giả dạng để tranh thủ sự thương hại của mọi người” - một người dân cho biết.
Các đối tượng được Chồm chở về nhà tại số 393B1 đường Phan Văn Khỏe (phường 5, quận 6).
Các đối tượng được Chồm chở về nhà tại số 393B1 đường Phan Văn Khỏe (phường 5, quận 6).
Thu tiền triệu mỗi ngày
Dù trời nắng hay mưa, các thanh niên trên vẫn lê lết trên đường, nhiều người không chỉ mua hết vé số mà còn cho thêm vài chục đến cả trăm ngàn đồng. Để kiếm thêm, có thanh niên còn xin: “Anh ơi, cho em thêm ít tiền để về quê?” hay “Dạ, chị có thể giúp em mấy đồng chữa bệnh”.
Theo quan sát của chúng tôi, một thanh niên thu về hàng trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày. Sau khi mua vài tờ vé số, chúng tôi hỏi về hoàn cảnh thì Toàn nói: “Em quê ở Phú Yên, bị bại liệt từ nhỏ, còn tay băng bó là do lê trên đường nhiều quá nên gây thương tích”.
Sau một thời gian lân la đến “tổng hành dinh” của các thanh niên để làm quen, chúng tôi được họ kể về quá trình hành nghề của mình. Trước đây, “tổng hành dinh” này được một phụ nữ quê Phú Yên thuê cho người tàn tật bán vé số ở, sau đó bà về quê để lại mọi người tự quản lý. Ở đây, ngoài những người tàn tật đi bán vé số, còn có 4 thanh niên kể trên.
Tường cho biết do ở quê khó khăn nên vào TP HCM “học nghề” từ người quen và giờ có thể tự “bơi” để kiếm tiền. “Em giấu gia đình vì sợ bị la. Em đã hành nghề này được 5 năm rồi” - Tường nói. Còn Tân bỏ học ở quê để vào TP HCM kiếm sống. Vì sợ gặp người quen nên Tân thường đội một chiếc mũ tai bèo khi hành nghề. “Làm nghề này phải chịu nhục, chịu bẩn thì người đi đường mới thương mà mua vé số hoặc cho tiền” - Tân cho biết.
Theo Tường, một người có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày. “Bò nhiều quá mọi người sinh nghi nên cứ vài ngày là nghỉ, sau đó lại tiếp tục. Em bò ở khu vực xa lộ Hà Nội hơn 1 tháng nay, còn Tân thì ở đường Mai Chí Thọ. Cả nhóm có 4 người, 2 người làm ban ngày, 2 người làm ban đêm, chia nhau ra để Chồm còn có thời gian chở đi” - Tường thành thật.

Nơi ở của các đối tượng giả bại liệt bán vé số và xin tiền.
Nơi ở của các đối tượng giả bại liệt bán vé số và xin tiền.
Trong “tổng hành dinh” còn có một phụ nữ tên Lệ (30 tuổi) nhận nhiệm vụ nấu ăn cho các thanh niên, đến tối thì chở con trên xe lăn đi bán vé số. “Ở đây có 4 thanh niên cùng quê Phú Yên với chị, khổ quá nên tụi nó mới làm vậy…” - bà Lệ nói.
Theo quan sát của chúng tôi, nhóm thanh niên trên thường xuyên thay đổi địa điểm hành nghề, trời mưa gió thì dễ kiếm ăn hơn. Thấy bộ dạng lê lết dưới mưa của các thanh niên, không chỉ dừng lại mua vé số mà nhiều người còn động lòng ghé xe vào cho tiền. Mặc dù các thanh niên hoạt động trong một thời gian dài nhưng ít ai phát hiện. Anh Nam (ngụ quận 9), thường đi qua xa lộ Hà Nội, ngao ngán: “Nhìn thấy mấy người này lê lết trên đường, tôi chỉ nghĩ là họ bị bại liệt hay gặp tai nạn nên mới giúp đỡ, chứ có biết là lừa đảo đâu”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trên các tuyến đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), một số tuyến đường ở quận Thủ Đức… có rất nhiều người giả dạng lê lết như vậy.
Tranh thủ lòng hảo tâm
Tại Bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM) xuất hiện người phụ nữ trung niên, thân hình to lớn, tay mang bịch thuốc và sổ khám chữa bệnh, ngồi một chỗ xin tiền.
Người phụ nữ lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người tại Bệnh viện Ung Bướu
Người phụ nữ lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người tại Bệnh viện Ung Bướu
Hằng ngày, bà ta đi bộ tới trước cổng bệnh viện, bắt đầu kể nghèo, kể khổ từ quê lên chữa bệnh nhưng hết tiền. Với vẻ mặt xanh xao, đầu trọc lóc (kiểu như phải hóa trị nhiều), người phụ nữ này ngồi bệt trên vỉa hè, thấy ai đi qua thì bắt chuyện: “Cô chú ơi cho tôi ít tiền chữa bệnh, ở quê lên đây mà hết tiền về rồi, còn có đứa con trai bị tật nguyền không ai chăm sóc…”.

Giả bại liệt bán vé số, xin tiền
  • Đi lại khệnh khạng, khỏe khoắn như không có dấu hiệu bệnh tật.
Các tài xế xe ôm cho biết người phụ nữ này đã hoạt động ở đây gần 3 năm, chuyên giả dạng bệnh nhân để xin tiền. Khoảng 15 giờ, người phụ nữ này đi về một căn phòng trọ gần Bệnh viện Ung Bướu. “Công việc thường ngày của bà ta là vậy, cứ giả bệnh để lợi dụng lòng hảo tâm của người khác” - một người bán tạp hóa ở đây nói.

Bài và ảnh: Lương Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét