Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Người Israel đã dạy chúng ta điều gì?


Israel, một quốc gia của những người Do Thái bị xua đuổi, sát hại và lang bạt trên khắp thế giới; là một chấm nhỏ giữa thế giới Ả Rập rộng lớn, đã vươn lên thành một trong những quốc gia giàu có và hùng mạnh.
Về kinh tế, khoa học công nghệ, họ tạo ra nhiều sản phẩm mà bất cứ quốc gia nào cũng cần phải có. Họ biến “điều không thể thành có thể”, đó là một nền nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao ngay giữa sa mạc vùng Trung Đông. Về ngoại giao và an ninh, họ phát triển quan hệ với phương Tây, và đặc biệt với Mỹ để tạo ra điểm tựa đối mặt với cả thế giới Ả rập. Họ đã tìm ra những giải pháp để có thể sống tự hào, tự do, độc lập để phát triển trên thế thượng phong.

Đối với người Israel, giải pháp được sinh ra khi vấn đề được tối giản đến mức chạm vào cốt lõi của nó. Những câu hỏi như “phát triển hay là chết” hoặc “để thế giới Ả Rập nô dịch hay là phát triển độc lập” giúp người Israel thoát khỏi những giáo điều, tư tưởng hoặc khuôn mẫu để tìm giải pháp cho mình. Mọi quyết sách đều phục vụ cho nhu cầu đa dạng, cụ thể, thực tế của cuộc sống và lợi ích của dân tộc. Điều này cũng thể hiện ngay trong phương pháp làm việc của người Israel. Ví dụ về việc truy lùng những kẻ gian lận tài chính, hoặc khủng bố trên internet bằng một nguyên lý được miêu tả bởi Shvat Shaked: “Chúng tôi tin rằng thế giới chỉ có hai loại người: Tốt và xấu. Và bí quyết đánh bại nạn lừa đảo qua mạng là sàng lọc hai loại người này ngay trên internet. Người tốt thì hay để lộ dấu vết trên mạng, đây gọi là dấu chân điện tử, vì họ không có gì để che giấu cả. Còn kẻ xấu thì không, vì chúng sẽ tìm cách ẩn mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là tìm ra các dấu chân.” Với phương châm giản dị như vậy, công ty của Shvat Shaked đã thu được 169 triệu USD cho giải pháp an ninh mạng của mình.

Người Israel nói về đất nước họ, hơn là công ty họ. Khi các công ty, tập đoàn làm ăn ở Israel, họ sẽ mang theo công nghệ, vốn, nhu cầu dịch vụ và lá chắn an ninh. Mỗi người, dù là ai và ở vị trí nào, đều là một sứ giả quảng bá cho công nghệ và lợi thế làm ăn ở Israel. Họ tận dụng mọi cơ hội để lôi kéo các tập đoàn, các công ty, các trường đại học lập văn phòng ở Israel. Hình ảnh Tổng thống Simon Peres dùng uy tín và các mối quan hệ của mình để giúp nhà doanh nghiệp trẻ Shai Agassi thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện ý tưởng táo bạo của mình, xây dựng ra một mô hình giao thông mới với xe ô tô điện, là một minh họa cụ thể. Đây chính là sự hòa quyện giữa quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế vì mục đích tạo ra sự thịnh vượng cho dân tộc. Khác với sự cấu kết giữa chính trị và kinh tế vì lợi ích nhóm và tham nhũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác.

Quá trình tuyển chọn lãnh đạo của Israel dựa trên tài năng chứ không phải dựa trên mối quen biết hay sức mạnh tài chính. Quá trình tuyển chọn rất minh bạch và dân chủ. Cộng với văn hóa tranh luận và đặt câu hỏi “tại sao ông là sếp của tôi; tại sao tôi không phải là sếp của ông?” đầy thách thức, làm cho người sếp không đủ tài năng sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Quá trình này giúp tìm ra được người lãnh đạo tốt nhất cho công ty, tập đoàn hay chính phủ. Khi có lãnh đạo giỏi, việc trao quyền cho cấp dưới được thực hiện dễ dàng hơn, các thông tin, ý tưởng, giải pháp được đến từ nhiều người hơn là chỉ một số người có trách nhiệm.
“Mục tiêu của nhà lãnh đạo là tối đa hóa sự chịu đựng – trong khi khuyến khích phản biện” là một phương châm lãnh đạo rất sâu sắc. Tinh thần này có nghĩa, lãnh đạo phải chịu được những điều “chướng tai gai mắt”, những khác biệt thậm chí bất đồng, thì nhân viên mới thỏa sức sáng tạo. Còn nhân viên, phải phát huy tính tự chủ độc lập của mình, không sợ khác biệt về nhận định hay giải pháp, vì đó chính là khởi nguồn của sáng tạo. Văn hóa này đã nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu và hướng tới cái mới hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
Tinh thần chiến đấu của người Israel không chỉ được thể hiện trên chiến trường, bàn ngoại giao, mà còn thẫm đẫm vào công việc kinh doanh của họ. Khi bị ban lãnh đạo Intel từ chối giải pháp làm nguội con chíp, nhóm làm việc Israel không chịu lùi bước. Họ kiên trì thuyết phục, cải tiến và chứng minh viễn kiến và giải pháp của họ là đúng, tạo bước ngoặt cho Intel và thế giới khi đưa ra các sản phẩm chip mới. Trong những công ty khởi nghiệp, khi thất bại họ “thất bại có tính xây dựng” hay “thất bại thông minh”, cộng với tính khoan dung của người Israel, nên những người thất bại được trao cơ hội làm lại. Theo thống kê, những người đã thất bại lần đầu mà khởi nghiệp lại, tỉ lệ thành công của họ sẽ tăng lên 20%. Đây chính là lý do góp phần để Israel thành một quốc gia khởi nghiệp.
Người Israel mê sáng tạo, và không sợ trí tưởng tượng. Họ biết kinh nghiệm là quý báu, nhưng kinh nghiệm dễ thành lối mòn. Họ không ngại thay đổi, luôn hướng về phía trước, không nằm im gặm nhấm thành công quá khứ. Họ biết “nỗi sợ hãi mất mát luôn lớn hơn niềm hy vọng nhận được” để bỏ đi cái cũ không còn phù hợp, kiến tạo cái mới cho hiện tại và tương lai. Trong những buổi gặp mặt cựu binh hay bạn học, họ ít hồi tưởng về quá khứ huy hoàng, mà hướng về tương lai phía trước. Những đơn vị thành công thì thuyết trình về công ty để người khác được chia sẻ kinh nghiệm. Họ xây dựng mạng luới làm ăn, kiến tạo những cơ hội kinh doanh.
Một trong những giá trị của Israel đó là lịch sử dân tộc. Chỉ với khoảng 8 triệu dân nhưng lại có nguồn gốc từ 70 nước trên toàn thế giới. Họ là quốc gia duy nhất thực thi luật di trú mà bất cứ người Do thái nào đặt chân lên Israel, ngay lập tức trở thành người Israel. Họ biết chiêu dụ những người Israel sống ở nước ngoài về phục vụ tổ quốc, trọng dụng họ và không bao giờ bỏ rơi họ. Israel thực sự là một đất nước đa dạng về văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc. Vì là nạn nhân của chủ nghĩa bài Do thái, họ thấu hiểu việc tôn trọng sự đa dạng quan trọng như thế nào. Chính vì vậy, sự khác biệt không cản trở họ, mà ngược lại là nguồn gốc của sự sáng tạo. Đây chính là cốt lõi khởi tạo mọi thành công của người Israel.
Bài viết này tổng hợp từ nội dung của cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" của Dan Senor và Saul Singer.
Theo Dienngon.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét