Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Đầu tư cùng Kickstarter


Cái tên Kickstarter có lẽ quá xa lạ đối với người Việt Nam nhưng đối với cư dân mạng nhiều người biết công ty này. Vậy Kickstarter là gì?

Kickstarter là một công ty huy động vốn đại chúng, cho phép các nhà phát triển, kinh doanh, sáng tạo có khả năng đem dự án của mình ra huy động vốn từ những người tiêu dùng thông thường trên mạng internet. Hình thức này khác rất nhiều so với mô hình huy động vốn cổ điển, như phải lập dự án, luận chứng kinh tế... để thuyết phục các nhà đầu tư.
Mô hình của Kickstarter thì lại giới thiệu trực tiếp các dự án đầu tư đến với người tiêu dùng  và huy động vốn trực tiếp từ những “khách hàng tương lai” của dự án này. Các dự án trên Kickstarter được phân loại thành nhiều ngành, bao gồm từ phim ảnh, thiết kế nghệ thuật, sản phẩm tiêu dùng cho đến các dự án phần mềm game.
Với cách này, các dự án tránh được sự kiểm soát của các công ty đầu tư, sản xuất và tiếp cận với những người ủng hộ mình. Những dự án dù tâm huyết nhưng thiếu tính khả thi về mặt lợi nhuận thường sẽ bị gạt ngay trên bàn giấy của các công ty đầu tư nhưng khi đến với Kickstarter, nhiều người sẵn sàng chi trả một khoản tiền nhỏ để “chắp cánh” các dự án mà họ cho là thú vị và có triển vọng.
Đối với người dùng thông thường, việc được tự mình tham gia đầu tư vào các dự án yêu thích có rất nhiều ưu điểm. Hầu hết các dự án đưa ra trên Kickstarter đều thưởng bằng sản phẩm cho một mức đầu tư nhất định, với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Các mức thưởng cao hơn còn tặng cho các nhà đầu tư những món quà độc nhất vô nhị như tư liệu phát triển, hình ảnh từ dự án hay quyền được đưa tên mình vào sản phẩm hoàn thành.
Những thành công vang dội
Kickstarter đang nổi tiếng hơn bao giờ hết. Mở đầu bằng thành công vang dội của dự án game phiêu lưu của Double Fine. Từ lúc mở phiên huy động vốn, số vốn dành cho dự án này tăng 1.000 USD/phút và chỉ sau 8 giờ đồng hồ, dự án này đã đạt ngưỡng 400.000 USD đặt ra ban đầu. Khi thời hạn huy động vốn kết thúc, dự án nhận được 3.336.371 USD  vốn từ 87.142 nhà đầu tư.
Thành công của Double Fine quá lớn làm Kickstarter càng nổi tiếng. Hàng loạt các dự án lớn nhỏ từ khắp các hạng mục của Kickstarter được đầu tư vốn vượt trên cả mức đặt ra ban đầu. Gần đây nhất là ý tưởng thiết kế sản phẩm đồng hồ thông minh Pebble, đã vượt qua tất cả kỷ lục trước đó và đạt tổng số vốn 10.175.820 USD trên mức ban đầu là 100.000 USD.
Trào lưu Kickstarter
Sự thành công vang dội và nhanh chóng của Kickstarter mang lại một luồng gió mới. Các nhà sáng tạo ý tưởng giờ đây đã có thể thực sự xem việc huy động vốn từ các fan hâm mộ và người tiêu dùng là một lựa chọn khả thi. Các dự án kinh doanh nhỏ và cá nhân đã có thể tìm được nguồn vốn thích hợp, không chịu sự chi phối của các công ty đầu tư lớn. Người dùng và các fan hâm mộ lại có thể hỗ trợ cho những dự án mà họ yêu thích, điều hành nó theo ý mình.
Đặc biệt nổi trội là sự phát triển của các dự án game giải trí. Sau thành công của Double Fine, các dự án game Wasteland 2 và Shadowrun Returns cũng đều thành công rực rỡ, thậm chí lọt vào danh sách các dự án nhận được vốn đầu tư nhiều nhất trên Kickstarter. Ngay cả các tựa game indie (game đến từ các nhà phát triển độc lập) cũng nhận được nhiều sự ủng hộ đáng kể, với sự thành công của game Takedown, The Banner Saga, Republique, FTL...
Điều này có thể lý giải thông qua việc phân tích lợi ích của nhà phát triển game và fan hâm mộ. Thị trường game giải trí bấy lâu nay rải rác hàng loạt những bất cập đến trực tiếp từ các nhà sản xuất lớn, cụ thể là sự phiền hà của hệ thống bảo vệ bản quyền DRM, giới hạn về hệ máy chơi game, giá sản phẩm đắt đỏ vì phải gánh chi phí marketing. Nhưng khi đến với Kickstarter, các game thủ đã có thể trực tiếp ủng hộ những tựa game mà bấy lâu nay họ mong ước và thay đổi nó theo ý của mình.
Tương lai của huy động vốn đại chúng
Sự thành công của Kickstarter cũng nhanh chóng kéo theo một loạt các dịch vụ tương tự, sử dụng cùng mô hình huy động vốn đại chúng, như IndieGoGo, JustGiving, PledgeBank. Lợi nhuận mà các dịch vụ này thu lại cũng không nhỏ. Kickstarter được lợi nhuận 5% trên tổng số vốn thu được; Amazon- công ty giữ vai trò thu vốn từ người dùng Kickstarter, cũng thu 5% nữa.

Cứ mỗi dự án triệu đôla, Kickstarter thu được 50.000 USD lợi nhuận. Với số lượng dự án khổng lồ ngày càng tăng như hiện nay, Kickstarter càng trở nên có giá trị. Khảo sát hồi năm 2011 cho thấy đã có đến 1,5 tỉ USD vốn được đầu tư thông qua các dịch vụ Crowd Funding và dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2012.
Kickstarter có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành công nghiệp hiện đại và là hình thức huy động vốn đại chúng trong tương lai.


Cách thức hoạt động của Kickstarter
Một dự án khi đưa lên Kickstarter đồng thời phải đưa ra một mức vốn đầu tư cần có, cùng với một thời hạn nhất định để giới thiệu đến người dùng. Từ lúc bắt đầu ra mắt đến hết thời hạn, dự án phải đạt hoặc vượt qua mức vốn ban đầu đặt ra. Dự án trên Kickstarter chủ yếu được giới thiệu thông qua một văn bản và video ngắn, nơi người đưa ra ý tưởng có thể trình bày dự án của mình để thuyết phục các nhà đầu tư.
Người chủ dự án có thể đặt ra nhiều mức thưởng ưu đãi đối với các mức vốn đầu tư, với phần thưởng tương ứng. Trong thời gian huy động vốn, người sở hữu dự án có thể liên tục nhận ý kiến từ các người dùng trên Kickstarter và thay đổi các mức thưởng cũng như thay đổi chi tiết dự án.
Các nhà đầu tư cũng có thể tăng mức vốn đầu tư trong thời gian này để nhận thêm nhiều phần thưởng, nhưng món quà lớn nhất là tham gia thảo luận đóng góp ý kiến cho chủ dự án, trực tiếp tham gia phát triển dự án. Sau khi thu đủ vốn, chủ dự án vẫn có thể tiếp tục trao đổi với các nhà đầu tư trên Kickstarter.
KIM LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét