Với dân số 1,4 tỷ dân, dự đoán sẽ thiếu lương thực trong tương lai không xa, TQ đang phụ thuộc vào Việt Nam vì vậy VN nên nắm thế chủ động.
GS
Võ Tòng Xuân – chuyên gia Nông nghiệp nêu quan điểm khi bàn về vấn đề
nông nghiệp Việt Nam thời gian qua trước thực trạng Trung Quốc luôn là
thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc thương lái Trung Quốc
ngừng thu mua từ lúa gạo, đến thủy sản, rau củ quả… đều khiến doanh
nghiệp và nông dân lao đao.
Không chỉ rơi vào
tình trạng bấp bênh, giá xuất khẩu cũng luôn ở mức thấp trong khi đáng
ra Việt Nam phải nắm thế chủ động vì thực tế Trung Quốc cần Việt Nam
hơn.
PV: - Việt Nam được biết đến là một
đất nước có thế mạnh về nông nghiệp tuy nhiên nhiều ngành nghề trong
lĩnh vực này hiện đang phụ thuộc Trung Quốc đầu vào và đầu ra của sản
phẩm. Đơn cử như sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, theo báo cáo của Bộ
NN-PTNT cả năm 2013 nguồn phân bón, thuốc trừ sâu nhập khẩu chủ yếu từ
Trung Quốc, chiếm tới khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu. Thậm chí,
giống lúa lai theo báo cáo mới đây cũng cho biết có đến 70% phải nhập
khẩu từ Trung Quốc.
Quan điểm của
ông về thực tế này như thế nào, vấn đề nằm ở việc VN yếu kém trong khâu
sản xuất giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu... hay còn lý do nào khác?
GS Võ Tòng Xuân:
- Nguyên nhân dẫn đến việc lúa lai nhập đến 70% từ Trung Quốc do tại
miền bắc, Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo Viện nghiên cứu và trường ĐH Nông
nghiệp 1 tạo ra giống lúa lai nhưng so với giống lúa lai của Trung Quốc
năng suất không bằng.
Tuy nhiên, thay vì Việt
Nam tập trung kinh phí nghiên cứu lại không tập trung mà ỉ lại Trung
Quốc có rồi. Nếu Bộ Nông nghiệp tập trung đầu tư kinh phí nghiên cứu
Việt Nam sẽ tự túc được giống lúa lai.
Một điểm
đáng lưu ý là khi giống lúa từ Trung Quốc về, Bộ Nông nghiệp lại khuyến
khích các tỉnh bao cấp, tài trợ cho nông dân, khuyến khích nông dân mua
vì nếu mua nguyên giá thành của Trung Quốc thì cũng sẽ đắt gần 40.000
đồng/kg.
Đây cũng là điều giúp cho các công ty
bán được do chính sách mà Bộ Nông nghiệp đưa ra, các tỉnh phải trợ cấp
cho nông dân còn nếu để nông dân mua đúng với giá bên kia thì nông dân
cũng không mua nổi.
Về vấn đề thuốc trừ sâu,
thực tế Việt Nam có thể nhập từ Nhật, Thụy Sỹ… thậm chí Đài Loan cũng có
một số thuốc rất tốt. Thuốc của Trung Quốc quá nhiều làm thị trường
loãng và hiệu quả cũng rất là đáng nghi ngờ, và thuốc của Trung Quốc mà
chủ yếu là ở miền bắc.
Chất lượng phân bón nếu
mua ở Maroc (Châu Phi) sẽ rất tốt chỉ có điều là tiền chuyên chở sẽ cao
hơn trong khi đó, nhu cầu phân bón cho lúa lại quá cao, giá mua từ Trung
Quốc rẻ, Trung Quốc lại nằm kế bên nên đem về nhanh.
PV: -
Thậm chí xuất khẩu lúa gạo cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường
Trung Quốc, bằng chứng là Trung Quốc liên tục dẫn đầu về nhập khẩu gạo
Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2014 TQ đã chiếm tới 41,75% thị trường
xuất khẩu gạo của VN, nhiều thời điểm trở thánh cứu cánh cho xuất khẩu
gạo VN. Nguyên nhân chủ quan, khách quan là do đâu? Tại sao VN không mở
rộng đối tác xuất khẩu gạo, vấn đề có nằm ở chất lượng, việc xúc tiến
thương mại còn hạn chế không thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: -
Phần lớn VN xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vì giấy tờ không cần làm
nhiều, không phải đóng thuế dù tiền thu lại từ bán gạo không cao. Ví dụ
giống lúa 50404 nông dân trồng rất dễ dàng, thu mua thấp nên cách làm
như vậy đã hạ giá sản phẩm của mình.
Để Trung
Quốc mua dễ nhưng Việt Nam lại lỗ, làm hư đường xá và ép nông dân bán
giá rẻ vì vậy người ta mới bán nhiều nhưng giá trị không được như gạo
của Thái Lan hoặc như 1 số công ty bán đường đường chính theo đường xuất
khẩu chính ngạch.
Thêm lý do quan trọng khiến
gạo của Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc do chất lượng gạo còn thấp
nên việc xuất khẩu ra nước ngoài khó khăn hơn. Nếu phát hiện có dư
lượng thuốc trừ sâu họ sẽ buộc tiêu hủy, các doanh nghiệp xuất khẩu phải
trả thêm tiền cho việc tiêu hủy hoặc bị yêu cầu chở về nước. Như vậy,
sẽ rất tốn kém còn nếu đưa sang Trung Quốc, Trung Quốc sẵn sàng thu mua
mọi sản phẩm mà không cần chú ý có thuốc gì.
Nguyên
nhân khác như mọi người vẫn biết, không chỉ ở lúa gạo mà nhiều mặt hàng
khác, việc xúc tiến thương mại của Việt Nam còn rất yếu. Bộ Nông nghiệp
Phát triển nông thôn và Bộ Công thương chưa có những chiến lược để đòi
hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng.
Dĩ
nhiên có những loại gạo có chất lượng nhưng chủ yếu chỉ bán ở siêu thị
cho dân Việt Nam ăn hoặc có một số cũng xuất ra nước ngoài. Ví dụ gạo
hữu cơ đã xuất ra được nước ngoài có chất lượng và bán giá cao nhưng
thực tế Việt Nam lại không làm gạo chất lượng, thương lái thu mua trộn
lẫn các loại lúa, gạo khác nhau nên không thể nào đăng ký nhãn hiệu,
thương hiệu của gạo. Từ đó không có sản phẩm để đi xúc tiến thương mại.
Tại
hội chợ ở Băng Kok năm 2013, Thái Lan có hơn 10 thương hiệu, Campuchia
cũng có các công ty xuất khẩu trong khi đó Việt Nam không có công ty nào
tham gia.
Phải có những liên kết sản xuất,
quan trọng là có đầu ra của gạo khi mà họ tổ chức cánh đồng mẫu lớn. Có
những Tập đoàn hoặc hợp tác xã cho nông dân họ phát triển, trồng cùng
giống lúa theo quy trình GAP thì vốn đầu tư cũng thấp.
Doanh
nghiệp thu mua hoặc bao tiêu sản phẩm mua giống đó cùng máy móc thiết
bị hiện đại họ sẽ hợp đồng sản xuất ra gạo tốt từ đó mới làm được giá cả
cao lên còn bây giờ nếu cứ để cho nông dân tự phát, kế đó là hàng trăm
thương lái đi mua gom chỗ này, chỗ kia, trộn lẫn gạo thóc với nhau sẽ
không bao giờ có thương hiệu.
Trung Quốc phụ thuộc Việt Nam, nhưng...
PV: - Đối
với ngành hàng thủy sản, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ tư và
đang có khả năng vượt lên trong những năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp
chế biến xuất khẩu nước ta thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, không đủ
hàng để bán cho những thị trường có giá trị cao hơn, ảnh hưởng đến
thương hiệu, chất lượng thủy sản nước ta. Tình trạng đã diễn ra nhiều
năm và ở nhiều mặt hàng thủy sản khác nhau nhưng đến nay vẫn tiếp diễn,
lý do là gì, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: -
Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh kém về chất
lượng. Vừa qua, trên báo chí nước ngoài đã đưa nhiều thông tin tôm Việt
Nam bơm nhiều kháng sinh để khối lượng cao nhưng khi về rã đông, tôm teo
lại nên họ cảnh giác tôm của Việt Nam. Nhiều nước đã hủy đơn nhập khẩu
và tìm cách thay thế thịt.
Trong khi đó, sản
xuất tôm của Việt Nam vẫn được tổ chức không quy củ, rất khó truy được
nguồn gốc. Thương lái thu mua của người nuôi, tại nhà máy chế biên, việc
đóng hộp cũng không có những quy định cụ thể, cá loại A cũng trà trộn
cá loại B, C nên khi mở hộp cá ra thấy chất lượng không tốt sau đó người
ta mới có kinh nghiệm không mua hàng Việt Nam với giá cao.
Trong
khi đó, cũng như lúa gạo, Trung Quốc cũng không đặt ra những quy định,
yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng, thậm chí có thời điểm họ tổ chức cho
thương lái thu mua ồ ạt ngay tại ao nuôi với giá cao, làm ảnh hưởng đến
những hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp với đối tác đã được ký
trước đó.
Chính điều này đã khiến nhiều doanh
nghiệp chế biến xuất khẩu nước ta thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng,
không đủ hàng để bán cho những thị trường có giá trị cao hơn, ảnh hưởng
đến thương hiệu, chất lượng thủy sản nước ta.
Tuy nhiên, việc buôn bán với Trung Quốc lại rất bấp bênh, có thời điểm Trung Quốc lại đột ngột thu mua trong khi người nuôi tôm vì thấy lợi lớn khi bán cho thương lái Trung Quốc đã ồ ạt thu mua đã khiến giá tôm giảm mạnh. Sự việc đã diễn ra nhiều lần ở nhiều mặt hàng khác nhau.
Tuy nhiên, việc buôn bán với Trung Quốc lại rất bấp bênh, có thời điểm Trung Quốc lại đột ngột thu mua trong khi người nuôi tôm vì thấy lợi lớn khi bán cho thương lái Trung Quốc đã ồ ạt thu mua đã khiến giá tôm giảm mạnh. Sự việc đã diễn ra nhiều lần ở nhiều mặt hàng khác nhau.
PV: -
Các mặt hàng nông sản, rau củ, quả cũng trong tình trạng tương tự. Thậm
chí, thương lái Trung Quốc còn ồ ạt thu mua các loại nông sản không rõ
mục đích với giá cao khiến người dân đổ xô trồng sau đó ngừng thu mua
khiến hàng rớt giá thê thảm, tồn đọng lớn. Trong khi tình trạng này lại
không diễn ra ở các nước như Malaysia, Lào, Campuchia… ông có thể lý
giải nguyên nhân?
GS Võ Tòng Xuân: -
Các địa phương đã quản lý quá lỏng lẻo để tư nhân Trung Quốc qua Việt
Nam, muốn làm gì thì làm trong khi đáng lẽ chính quyền địa phương thấy
bóng dáng người lạ đòi hỏi họ muốn làm ăn ngay phải đăng ký kinh doanh.
Mình đã để thương lái Trung Quốc vào lừa gạt thậm chí lừa gạt nhiều lần, hoàn toàn do mình chứ không phải do ai khác.
PV: -
Hiện Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt
Nam, nếu Trung Quốc ngừng thu mua sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sẽ
lao đao, đồng thời Việt Nam cũng phải nhập khẩu nhiều những nguyên liệu
phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Theo ông, Việt Nam có thể thoát khỏi
sự phụ thuộc vào Trung Quốc không và bằng cách nào?
GS Võ Tòng Xuân: -
Trung Quốc có dân số là 1,4 tỷ nên đây là thị trường lớn ở VN nên khi
mất thị trường đó mình thiệt hại lớn nhất là hàng hóa mình chưa đạt chất
lượng, chỉ TQ mua nhưng mặt khác cũng cho mình thấy nếu làm ăn đàng
hoàng thì mua bán đàng hoàng thì mình có lời nhiều hơn.
Chỉ
có điều các doanh nghiệp phải thấy rằng mình phải chỉnh đốn, cải tiến
vì hàng hóa xuất sang Trung Quốc. Trung Quốc có giận mình đến mấy vẫn
phải ăn mà như gạo có mua của Thái Lan giá cũng cao hơn gạo VN nên VN
thế nào cũng bán gạo cho TQ. Rồi các loại rau củ quả cũng như vậy.
Muốn
làm có lời phải chính đốn cách làm, buôn bán phải có hợp đồng còn nếu
TQ muốn mua gì thì mua, VN đến cửa khẩu muốn bán gì thì bán tuy mình
tiêu thụ được sản phẩm nhưng không chắc chắn, cái gì có hợp đồng cũng
chắc chắn hơn, khi có hợp đồng, giá cả tốt hơn và người nông dân cũng
khá hơn.
Bản thân TQ đang phụ thuộc VN. Họ đâu
có đủ lương thực, thực phẩm, lúa gạo vì theo ước tính của các nhà kinh
tế đến năm 2020 TQ sẽ thiếu ăn, thiếu nguồn lương thực ít nhất là 10
triệu tấn.
Dĩ nhiên TQ sẽ cố gắng sản xuất
nhưng họ sản xuất không đủ do dân quá đông nên họ vẫn phải mua của VN
còn mua của Lào cũng không có, Lào phải mua Thái Lan, Campuchia cũng
phải mua của Thái Lan trong khi gạo Thái Lan giá cao nên TQ vẫn còn phải
lệ thuộc vào VN.
Việt Nam phải lấy hoàn cảnh
này để điều chỉnh không nên bán giá quá thấp để nông dân bị thiệt hại
đường xá bị thiệt hại. Việt Nam luôn trong thế chủ động hơn bị động nên
bây giờ VN cần chủ động.
Việt Nam phải đặt điều
kiện, mua bán chứ không thể cầu cạnh TQ để bán vì mình biết TQ cần mình
chứ TQ không thể đi chỗ khác mua. Đồng thời, chất lượng của các sản
phẩm cũng cần được chấn chỉnh, chế biến các sản phẩm có chất lượng để
bán giá cao hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tâm An
Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét