Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Mơ thành công như Flappy Bird – game Việt có đang ảo tưởng?

Kể từ sau sự kiện Flappy Bird thành công nổi bật trên các phương tiện truyền thông hồi tháng Hai năm nay, giới làm game Việt Nam dường như được tiếp một nguồn sinh khí mới. Nhiều game studio mới được mở ra, nhiều lập trình viên bỏ công việc hiện tại để lao vào làm game với hy vọng trở thành "một Hà Đông khác". Nhưng làm game chưa bao giờ là công việc dễ dàng.
thị trường mobile game Việt
Bức tranh làng game Việt hiện tại
Hẳn chúng ta chưa quên sự kiện Flappy Bird đã gây xôn xao như thế nào trong giới làm game khi mà cái tên của "chú chim ngu" và tác giả của nó – Hà Đông – được các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước liên tục nhắc đến như một thành công đặc biệt và thần kỳ. Sự kiện càng thêm nóng khi Hà Đông tiết lộ mức thu nhập lên tới 50.000 USD/ngày từ việc đặt quảng cáo trong game. Bên cạnh niềm vui và tự hào về một sản phẩm game Việt được cả thế giới biết đến, nhiều bạn trẻ hy vọng và tin rằng mình cũng có thể làm được điều tương tự, hoặc ít ra cũng cảm thấy làm game mobile thật… dễ kiếm tiền.
Theo tìm hiểu của VnReview, khá nhiều game studio được mở ra gần đây khiến thị trường nhân lực cho mảng này đang nóng lên, các studio khó kiếm người hơn trước, nhiều studio lớn bị xáo trộn nhân lực.
Anh Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Tofu Game Studio cho biết: "Sau thành công của Flappy Bird, báo chí, nhà đầu tư và cả các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến game nhiều hơn. Trong thời gian qua nhiều studio mới được thành lập, một số studio gặp khó khăn trước đây tuyên bố hoạt động trở lại. Hiện tại ước tính có khoảng 60-80 studio game tại Việt Nam. Nhiều bạn trẻ lập nhóm cùng nhau làm game với ước mơ có được thành công như Flappy Bird. Nhưng phần lớn những người làm game kinh nghiệm đều hiểu rằng đó là một thành công đặc biệt rất khó lặp lại".
Ở một góc nhìn khác, anh Trương Hải Nam, Giám đốc Sáng tạo tại Peanut Studio, cho rằng số lượng studio mở chuyên nghiệp, bài bản thì tốc độ tăng trưởng vẫn đều đều, không nhiều hơn trước quá mức, chủ yếu vẫn từ các startup có kinh nghiệm và đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trung bình mỗi tháng có khoảng 2 studio mới. Anh Hải Nam cũng nhận định: "Việc gia tăng số lượng các studio có lẽ không liên quan nhiều tới sự kiện Flapy Bird, nhưng việc khá nhiều developer đang làm thuê cho các công ty game hoặc web dành thời gian hoặc chuyển đổi công việc để trở thành indie developer (nhà phát triển game độc lập) thì có. Nhiều người mong có một cơ hội thành công tương tự".
Hiện tại, theo anh Khánh Duy, có khá nhiều cá nhân làm game độc lập kiểu như Hà Đông, ngoài ra còn có các nhóm nhỏ từ 3-6 người, số studio đầu tư bài bản ít hơn nhiều, với quy mô từ 10-30 người; số game studio cỡ lớn thì rất ít, là những công ty tên tuổi như VNG, Gameloft, DeNA, VTC Studio, FPT Online, Glass Egg…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét