Trên
địa bàn TP.HCM hiện có 475 cửa hàng tiện lợi thì trong đó có đến 350
cửa hàng nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Chưa bao giờ cuộc đua
trên thị trường bán lẻ lại khốc liệt như hiện nay. Và trong cuộc đua
này, doanh nghiệp Việt ngày càng bị yếu thế so với đối thủ là các doanh
nghiệp đến từ nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn ở nhiều phân khúc
như cửa hàng tiện lợi, siêu thị… doanh nghiệp ngoại đã ồ ạt tràn vào và
ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường.
Đường Bùi Viện (Quận 1) chưa đến 1km nhưng có tới tám cửa hàng tiện lợi của nước ngoài - Ảnh: Thuận Thắng
Chỉ
riêng phân khúc cửa hàng tiện lợi, có doanh nghiệp ngoại chỉ trong vài
tháng đã cho khai trương hàng chục cửa hàng. Nhiều tuyến đường tại
TP.HCM trong khoảng cách chỉ vài trăm mét nhưng xuất hiện 2-3 cửa hàng…
Theo
thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có 475 cửa hàng tiện lợi, trong đó
khoảng 350 cửa hàng nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhanh chóng bành trướng
Chiều
muộn, chị Hải Yến, giáo viên Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), tất
bật bước vào một cửa hàng tiện lợi Big C Express (đường Hoàng Hoa Thám,
Q.Tân Bình). Chỉ một loáng sau, chị Yến ra về với lỉnh kỉnh đủ thứ từ
thịt, cá đến rau củ chế biến bữa tối, thậm chí chị mua cả bàn chải, kem
đánh răng, khăn tắm cho con nhỏ ngày mai đi du lịch cùng trường. “Tất cả
đều có hết, đi làm về muộn, tạt vào mua ào ào rồi về nhanh mới kịp” -
chị Yến tranh thủ nói rồi nhanh chóng về nhà sớm.
Hình
ảnh những bà nội trợ không có nhiều thời gian, tìm đến các cửa hàng gần
nhà mua sắm xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là lý do ngày càng nhiều cửa
hàng tiện lợi xuất hiện. Chỉ mới xuất hiện mô hình này không lâu, nhưng
doanh nghiệp ngoại đang áp đảo hoàn toàn thị trường.
Có
mặt tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay, chuỗi cửa hàng Shop & Go đến
từ Singapore đã mọc lên cực kỳ nhanh và cán mốc con số 103 cửa hàng vào
tháng 3-2014, trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi số 1 ở Việt Nam về quy
mô. Và theo kế hoạch của công ty này, đến cuối năm sẽ mở thêm ít nhất 30
cửa hàng mới. Không thua kém Shop & Go, Circle K (công ty của Mỹ)
có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay đã có 73 cửa hàng được mở ở
TP.HCM. Mỗi tháng, đơn vị này đều đặn khai trương thêm nhiều cửa hàng
mới. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, công ty đã mở thêm 10 cửa hàng tại
TP.HCM. Hệ thống Big C với thương hiệu Big C Express cũng liên tục mở
cửa hàng trong thời gian gần đây.
Tương
tự, một thương hiệu cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật Bản là FamilyMart dù
gia nhập muộn nhưng đã nhanh chóng chiếm được con số 34 cửa hàng tại
TP.HCM, dự kiến của công ty này đến cuối năm sẽ có thêm 50 cửa hàng tại
TP.HCM. Chưa kể, lãnh đạo công ty này khẳng định thời gian tới sẽ vươn
ra xây dựng ở một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và kể cả Hà
Nội…
Trong
khi đó đối với doanh nghiệp trong nước, nổi bật là Co.opfood và
Satrafood dù nỗ lực trong cuộc đua ở phân khúc này, tuy nhiên hiện nay
số cửa hàng của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op)
dừng ở mức 72 cửa hàng. Satrafood thống kê được 32 cửa hàng trên địa bàn
TP.HCM và mỗi tháng cũng có 1-2 cửa hàng mở ra phục vụ người tiêu dùng.
Xuất hiện dày đặc
Theo
khảo sát, mật độ các cửa hàng tiện lợi mở tại các khu vực trung tâm
TP.HCM ngày càng dày đặc. Riêng khu vực đường Đề Thám, Bùi Viện, Nguyễn
Trãi (Q.1), mỗi tuyến đường có 2-3 cửa hàng tiện lợi với đủ thương hiệu
mọc ra. Trong đó, ngay gần chợ Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)
vốn hoạt động nhộn nhịp hằng ngày vẫn liên tiếp mọc lên ba cửa hàng
tiện ích: Big C Express, FamilyMart, Shop & Go.
Không
chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, nhiều cửa
hàng tiện lợi còn phục vụ thức ăn nhanh, thực phẩm nấu tại chỗ. Tại cửa
hàng Circle K (đường Bùi Viện, Q.1), ngay gần khu vực thu ngân có đặt
nồi nước dùng lớn sôi sùng sục sử dụng để nấu mì gói cho khách có nhu
cầu sử dụng ngay. Nhân viên tại cửa hàng cho biết từ nhu cầu của rất
nhiều khách hàng, đặc biệt vào buổi tối, khuya muốn mua mì gói dùng ngay
nhưng loay hoay không biết phải làm sao nên cửa hàng thực hiện luôn
“tiện ích” này cho khách. Ngoài nước dùng, cửa hàng bổ sung các thực
phẩm như xúc xích, trứng để khách ăn kèm với giá chỉ 15.000 đồng/tô.
Các
hệ thống cửa hàng tiện lợi thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mãi
để thu hút khách hàng cũng như các tiện ích kèm theo. Ngay gần Trường
tiểu học Đặng Văn Ngữ (đường Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận) liên tiếp mở ra
ba cửa hàng tiện ích FamilyMart, B’s Mart và Circle K nằm sát nhau. Tại
cửa hàng FamilyMart (đường Đặng Văn Ngữ), bên cạnh các sản phẩm tạp hóa
cơ bản, tại đây bày bán thêm hàng loạt sản phẩm thức ăn nhanh, đồ ăn
vặt, thức uống phục vụ học sinh. Đặc biệt, cửa hàng dành riêng khoảng
không gian 20m2 trên lầu với năm bộ bàn ghế cùng hệ thống máy nước nóng,
lạnh để phục vụ khách hàng có nhu cầu ngồi lại ăn uống, nghỉ ngơi.
Tương
tự, tại cửa hàng tiện lợi B’s Mart cách đó không xa cũng dành tầng lầu
rộng rãi với bàn ghế được thiết kế trẻ trung phục vụ nhu cầu học, họp
nhóm cho học sinh cùng nước uống nóng, lạnh miễn phí. Nhân viên cửa hàng
tươi cười giới thiệu chương trình “Khuyến mãi hấp dẫn, minh mẫn mùa
thi” thu hút học sinh trong dịp thi học kỳ với hàng loạt sản phẩm thức
ăn nhanh, nước uống đóng chai, sữa tươi... giảm giá. Theo khảo sát, các
hệ thống cửa hàng tiện lợi thường xuyên thực hiện các chương trình
khuyến mãi giảm giá, chăm sóc khách hàng tùy thuộc đặc thù khách hàng
tại các điểm như chung cư, trường học...
Lỗ nhưng vẫn phải chiếm chỗ
Trong khoảng cách 50m trên đường
Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có đến ba cửa hàng tiện ích Circle K,
B’s Mart và FamilyMart mở san sát nhau - Ảnh: Lê Sơn
Mặc
dù cửa hàng tiện lợi mọc lên rất nhiều tại TP.HCM thời gian gần đây
nhưng theo ông Yamashita Junichi - tổng giám đốc FamilyMart Việt Nam,
con số hơn 475 cửa hàng tiện lợi hiện nay tại TP.HCM vẫn còn khiêm tốn,
nhu cầu thực phải từ 5.000-10.000 cửa hàng mới phục vụ đủ nhu cầu người
tiêu dùng. Điều đáng nói, hầu hết đơn vị kinh doanh cửa hàng tiện lợi
hiện nay đều khẳng định lỗ lớn nhưng vẫn rất quyết tâm “bành trướng”.
Theo ông Yamashita Junichi, mục tiêu của FamilyMart thời điểm này là mở
ra thật nhiều cửa hàng, càng nhiều càng tốt. Tăng độ phủ trước, tập cho
người tiêu dùng thói quen ghé thăm cửa hàng tiện lợi. Sau khi hệ thống
cửa hàng này hoàn thiện, ổn định sau 5-10 năm sẽ kiếm ra lợi nhuận.
Tương
tự, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op,
phân khúc cửa hàng tiện lợi hiện nay đang cạnh tranh rất gay gắt, là
mảnh đất màu mỡ, tuy nhiên lại rất nhiều nhà đầu tư “nhảy” vào. “Với
tình hình hiện nay, hầu hết nhà đầu tư đều đang cắn răng chịu lỗ, tuy
nhiên mục tiêu vẫn là mở rộng ảnh hưởng bằng mọi cách” - ông Hòa khẳng
định.
Hiện
Co.opfood đang hướng vào sự tiện lợi về mặt vị trí, tăng độ phủ để tiếp
cận với mọi đối tượng nội trợ, vì vậy hàng hóa cũng nhắm vào nhu cầu
tiêu dùng hằng ngày. Đánh giá về triển vọng thị trường, ông Hòa cho rằng
tiềm năng vẫn còn lớn vì không phải người dân nào cũng có thời gian,
điều kiện đi chợ, vì vậy cửa hàng tiện lợi vẫn là lựa chọn nhanh, gọn.
Bên cạnh đó, đầu tư vào cửa hàng tiện lợi chi phí không lớn, mặt bằng rẻ
chính là những ưu thế để nhiều “đối thủ” đua nhau nhắm vào thị trường
này.
Tổng
giám đốc một chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng cho rằng hiện nay mục tiêu
vẫn là mở rộng thị phần. “Không riêng gì chúng tôi đang chịu lỗ mà các
đơn vị khác cũng đang lỗ, tuy nhiên đây không phải là thời gian kiếm lợi
nhuận, mà mới chỉ là thời điểm chiếm lĩnh thị phần” - vị này khẳng
định.
Doanh nghiệp Việt thất thế
Theo
một chuyên gia trong ngành bán lẻ, mảnh đất cửa hàng tiện lợi hiện nay
khá màu mỡ nhưng đang bị mất dần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài:
“Cứ nhìn vào số lượng cửa hàng tiện lợi giữa doanh nghiệp trong nước và
Việt Nam sẽ thấy ngay điều này”.
Các
tập đoàn nước ngoài thường có tiềm lực lớn, mở rộng rất nhanh và ồ ạt,
chiếm nhiều vị trí tốt. “Họ miệt mài mở cửa hàng tại những vị trí đắc
địa với mục đích phủ rộng thị trường bán lẻ, khi đạt được mục tiêu rồi
từ từ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam vốn giàu tiềm năng và sôi
động” - vị chuyên gia này cho hay.
Tại
một số cửa hàng của các doanh nghiệp nước ngoài thường có 2.000-2.500
mặt hàng trên kệ. Tuy nhiên, con số này đối với cửa hàng Việt Nam thường
không ổn định và thay đổi liên tục từ 1.400 đến dưới 2.000 mặt hàng.
Tiêu chí và phương thức hoạt động cũng có sự khác biệt rất rõ ràng,
trong khi đơn vị nước ngoài nắm rất rõ về phương thức quản trị và đi
đúng hướng “tiện lợi”, thì doanh nghiệp Việt lại loay hoay và có sự lẫn
lộn giữa cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.
Dũng Tuấn - Lê Sơn (Theo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét