Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Những nghề "độc" hái ra tiền chỉ có ở Việt Nam


- Những nghề nghiệp...không giống ai đang giúp cho người làm thuê có những khoản thu nhập không nhỏ. Thuê cô dâu chú rể, thuê khóc đám ma, thuê viết thiệp cưới...những công việc tưởng chừng không thể thuê đều xuất hiện ở Việt Nam.

Nghề viết thuê thiệp cưới
Nhờ có lợi thế về chữ viết đẹp, tỉ mỉ, Trúc Linh, sinh viên năm 3 ngành sư phạm đang sống ở quận 8 (TP.HCM) đã giúp cho mình khoản thu nhập không nhỏ nhờ việc viết thiệp cưới. Chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ, Linh có thể viết xong 200 tấm thiệp. Cô sinh viên hài lòng với mức thù lao 1.000 đồng mỗi thiệp. Cao điểm mùa cưới từ tháng 8 tới tháng 2 năm sau, có khi mỗi tháng Linh nhận 1.500 thiệp, tương đương 1,5 triệu đồng.
Chữ viết đẹp là một lợi thế đối với nghề viết thuê thiệp cưới.
Dung - một bạn có thâm niên 2 năm trong nghề này cho hay, nếu thao tác viết quen tay chỉ mất khoảng 1 phút để hoàn tất xong một tấm thiệp. Trong trường hợp khách hàng “ép” chỉ trong 2 ngày phải giao khoảng 400-500 tấm thiệp cưới, lúc đó cần tập trung để tránh sai sót hay bôi xóa nào vì khách hàng chỉ đưa đúng số lượng thiệp với danh sách tên người mời. Nhưng nếu làm tốt và khách ưng ý có khi được “bo” thêm và được giới thiệu cho nhiều cặp khác có ý định kết hôn. 
Nghề cho thuê cô dâu chú rể
Mặc dù trong thời buổi kinh tế thị trường, rất nhiều việc có thể làm thuê, làm mướn. Tuy nhiên, với dịch vụ thuê cô dâu chú rể thì vẫn là dịch vụ...xưa nay hiếm. Có cầu ắt có cung, hiện nay, rất nhiều cửa hàng chuyên phục vụ đồ cưới hỏi sẽ kiêm luôn dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể giả.
Một trang web quảng cáo dịch vụ có trụ sở trên đường Hoàng Minh Giám.
Theo nhân viên một cửa hàng phục vụ đồ cưới hỏi trên đường Trường Chinh (Hà Nội), để có một kịch bản hoàn hảo, khách hàng phải nghe theo toàn bộ sự sắp đặt của “ban tổ chức”. Các của hàng sẽ lo tất cho khách từ A đến Z. Đầu tiên là lo toàn bộ dòng họ, họ hàng thật, thậm chí cả trẻ nhỏ. Nếu bao gồm cả chụp ảnh cưới, tiệc cưới và xe cộ thì giá dao động khoảng 120 triệu đồng.
Không chỉ kịch bản được dàn dựng hoàn hảo mà các “diễn viên” cũng phải được tuyển chọn kỹ càng. Những thông tin như mẹ cô dâu sinh năm bao nhiêu, làm nghề gì, tên gì; ông chú "cô dâu" tên gì, làm nghề gì, sở thích ra sao, sinh được mấy người con…"chú rể" thuê phải thuộc nhu cháo chảy.
Nghề nhổ tóc bạc
Thấy rõ lợi nhuận từ dịch vụ “nhổ tóc bạc” cho cả đàn ông và phụ nữ, nhiều tiệm massage, tiệm gội đầu, hớt tóc ở Sài Gòn, hay ở Hà Nội cũng nhanh chóng “thi đua” với các tiệm nhổ tóc bạc chính cống bằng cách thiết lập thêm căn phòng có kê vài ghế “nhổ tóc bạc”, với giá rẻ nhất là 30,000 đồng, mắc nhất là 60,000 đồng/giờ; còn chưa kể tiền bo.
Nhân viên nhổ tóc bạc phải yêu nghề, có tính tỉ mỉ mới gắn bó lâu dài được.
Khách vào quán, nằm lên chiếc ghế, lắc lư từng nhịp chân, đôi mắt lim theo tiếng nhạc. Nhân viên mân mê, dùng nhíp bới từng sợi tóc, nhổ từng sợi bạc, sợi sâu,… miệng không ngừng thỏ thẻ, nói chuyện; vì thế chuyện ngủ quên 2-3 tiếng ở đây không phải là hiếm.
Nhổ tóc bạc là một trong những thú vui thời thượng của không chỉ các quý ông mà còn là món “khoái khẩu” của các quý bà. Có thời gian đi nhổ tóc bạc là biểu hiện của sự vui thú, nhàn hạ và sang trọng.
Tuy nhiên, những nhân viên nhổ tóc bạc cũng phải học cách để chiều ý khách. Có khách thích nhổ tóc bạc, nhưng có khách không có tóc bạc thì yêu cầu nhổ tóc sâu, tóc ngứa. Người thích nhổ nhanh, người khoái nhổ chậm, người thích nhổ mặt tiền, có người lại thích nhổ vùng đỉnh đầu...Do vậy, khi làm việc, nhân viên phải quan sát thái độ của khách hàng.
Nghề khóc thuê đám ma
Từ lâu, nghề khóc thuê đã xuất hiện trong một số đám tang ở các làng quê. Mỗi nhóm thường từ 3-5 người, được gia đình người quá cố bỏ tiền thuê để khóc than, vật vã cho không khí… bớt cô quạnh.
Người thân của người đã khuất thể hiện sự tiếc thương, sầu thảm dành cho người vừa qua đời một cách thật lạ lùng. Vì một lý do nào đó, họ bỏ tiền ra thuê hẳn một nhóm người về “tiếc thương” thay cho họ.
Khóc đám tang trở thành nghề hốt bạc triệu.
Theo anh Đoàn Công Chất (Thuận Thành, Bắc Ninh), một người gạo cội trong nghề, nếu trước kia, đây chỉ là nghề phụ của một số người có “năng khiếu” trong những đoàn nhạc hiếu thì nay nghề khóc thuê cũng cần phải chuyên môn hóa, phải được đào tạo, luyện tập. Bởi người ta bỏ tiền ra đều mong thuê được những người khóc giỏi, khóc giống như thật và phải làm người khác xiêu lòng.
Hiện khóc mướn đã trở thành một nghề “thời thượng”. Hầu hết đám hiếu nào cũng cần đến đội ngũ khóc thuê, bởi không phải ai cũng có thể thể hiện sự thương tiếc, cảm xúc thành lời. Do đó, nghề khóc thuê cũng đem lại những khoản thu nhập kha khá.
Nghề bế lợn thuê
Chợ heo (lợn) Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) được xem là khu chợ buôn bán heo lớn nhất Việt Nam. Ở đây, có những phụ nữ ấy làm công việc đặc biệt đó là bế lợn thuê. Mỗi lần bế một chú lợn, họ được trả 500 – 1.000 đồng tiền công.  Đây được xem là cái nghề nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam và đem lại nguồn thu nhập cho nhiều phụ nữ thôn quê.
    Công việc bế heo đã trở thành việc làm quen thuộc của những người phụ nữ nông thôn..
Lúc nghề bồng heo thuê này chưa ra đời, mỗi lần cân heo giống là một lần khó khăn vì nhốt heo vào rọ hay trói để cân sẽ làm heo bị trầy xước, mất giá. Đồng thời, bán xong mà còn khiêng heo cho khách thì rất mất thời gian. Chính vì thế, cái nghề bồng heo thuê tại đây đã dần hình thành và phổ biến rộng rãi.
Người làm nghề bồng heo đòi hỏi phải có sự yêu nghề và nhẫn nại. Đây là nghề đặc biệt, không đòi hỏi sự khéo léo nhưng lại cần tính thận trọng, chịu khó vì suốt ngày phải tiếp xúc với heo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét