Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

'Made in USA' nay rẻ hơn 'Made in China'


Ngành sản xuất toàn cầu đã ghi nhận sự thay đổi khó tin trong những năm qua. Chi phí sản xuất hàng hóa ở Brazil nay đã đắt hơn 25% so với Mỹ, theo báo cáo mới nhất của The Boston Consulting Group (BCG). 

  Một nhân viên của hãng túi xách Rebecca Minkoff đang làm việc tại nhà máy Baikal ở New York, Mỹ - Ảnh: Business Week Một nhân viên của hãng túi xách Rebecca Minkoff đang làm việc tại nhà máy Baikal ở New York, Mỹ - Ảnh: Business Week


Quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới không còn là Trung Quốc mà là Indonesia. Tiếp đến là Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Mỹ xếp ở vị trí thứ 7. Lực lượng lao động Mỹ có năng suất cao nhất thế giới.
"Khoảng cách dần thu hẹp và khi cộng thêm chi phí vận chuyển thì việc sản xuất tại Mỹ xem ra có lợi hơn tại Trung Quốc", theo nhận định của chuyên gia Hal Sirkin - đối tác cấp cao tại BCG và là đồng tác giả của nghiên cứu. Ông nói rằng ít nhất 300 công ty đã dời cơ sở sản xuất nước ngoài về lại Mỹ.
Nếu cách nay 10 năm, lực lượng lao động Mỹ không thể cạnh tranh với ngành sản xuất ở Trung Quốc hay Brazil thì nay mọi chuyện đã khác. Khi tính đến các yếu tố kinh tế chủ chốt, như tổng chi phí lao động, chi phí năng lượng, tăng trưởng năng suất và tỉ giá hối đoái, thì Brazil đang là một trong những nước có giá sản xuất cao nhất thế giới.
Trong khi đó, phí sản xuất tại Mexico rẻ hơn ở Trung Quốc - nước hiện có chi phí gần bằng Mỹ, và nước có chi phí sản xuất rẻ nhất Tây Âu lại là quốc gia từng khởi động cuộc Cách mạng công nghiệp - Vương quốc Anh.
Khi chi phí lao động tại Trung Quốc tăng lên thì năng suất của Mỹ lại cải thiện, đồng thời chi phí năng lượng Mỹ giảm xuống đã giúp thu hẹp khoảng cách giá sản xuất giữa Mỹ - Trung gần như bằng 0.
Business Week cho biết mỗi USD chi phí sản xuất tại Mỹ tương đương với 96 xu sản xuất ở Trung Quốc, chưa kể đến chi phí vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Mỹ và các yếu tố khác. Đối với nhiều công ty, khó mà xác định sự chênh lệch khi yếu tố chất lượng sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ hay chuỗi cung ứng tầm xa cũng được cộng dồn vào hoạt động sản xuất.
Hãng tư vấn Boston Consulting Group tiến hành nghiên cứu trên 25 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu cho thấy Úc, Thụy Sĩ, Pháp, Ý, Bỉ và Đức là những nước có chi phí sản xuất cao nhất, cao hơn 20-30% so với tại Mỹ.
Một vài nước có giá sản xuất tương đối cao trong 10 năm qua, hầu hết là các nước Tây Âu, nay giá còn cao hơn nữa so với Mỹ. Từ năm 2004-2014, chi phí sản xuất tại Bỉ và Thụy Điển tăng 7 điểm % so với Mỹ, trong khi con số này của Pháp và Ý tăng 10 điểm %.
Ngược lại, chi phí trong những "thiên đường" sản xuất, như Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Nga, đã tăng đáng kể từ năm 2004 vì những yếu tố kết hợp, như lương tăng mạnh, tăng trưởng năng suất chậm chạp, biến động tiền tệ bất lợi và chi phí năng lượng tăng cao.
Một số công ty nước ngoài như Volkswagen và Siemens còn mở nhà máy ở Mỹ, thậm chí Siemens vẫn đang xuất khẩu một số sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng lên đáng kể, tuy vậy vẫn có nhiều công ty tiếp tục đầu tư sản xuất dựa trên những điều kiện cách đây hơn một thập kỷ. Họ vẫn xem Bắc Mỹ là vùng đất đắt đỏ, trong khi Mỹ Latin, Đông Âu, châu Á hay Trung Quốc có giá rẻ hơn.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường ẩn chứa cơ hội sản xuất hiện nay rất cạnh tranh, với các nước có chi phí sản xuất cao - thấp rải rác ở mọi nơi trên thế giới.
Khi các doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất mới, họ thường lên kế hoạch trên 25 năm. Business Week cho rằng các công ty này cần cẩn thận tính toán đến sự thay đổi trong cấu trúc chi phí tương đối và tính tiếp diễn của xu hướng này trong tương lai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét